Về chiếc “ghế” Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB của ông Phạm Công Danh
12/08/2014 15:58:02
Việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT là thông qua Đại hội cổ đông, nhưng phải được phê chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng. Với trường hợp ông Phạm Công Danh, người đã từng mắc sai phạm trong làm ăn kinh tế, không hiểu vì sao vẫn được bổ nhiệm và phê chuẩn chức danh cấp cao trong Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam?

Việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT là thông qua Đại hội cổ đông, nhưng phải được phê chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng. Với trường hợp ông Phạm Công Danh, người đã từng mắc sai phạm trong làm ăn kinh tế, không hiểu vì sao vẫn được bổ nhiệm và phê chuẩn chức danh cấp cao trong Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam?
 

Bị can Phạm Công Danh

Ngày 11/8, theo thông tin mới nhất chúng tôi có được về việc khởi tố, bắt tạm giam 3 cán bộ cấp cao Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (Ngân hàng VNCB), về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. Sai phạm xảy ra tại Ngân hàng VNCB được tóm tắt như sau: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam qua hoạt động kiểm soát đã phát hiện Ngân hàng VNCB đứng ra bảo lãnh trái quy định cho một số đơn vị công ty là "sân sau" của ông Danh vay tiền tại ngân hàng, dẫn tới mất khả năng thu hồi, cho vay không giám sát việc sử dụng vốn.
 
Ngoài ra, Ban lãnh đạo Ngân hàng VNCB có hoạt động lãi suất "ngoài luồng", trái với quy định về mức trần lãi suất của NHNN. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về 3 bị can, gồm: Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VNCB; Phan Thành Mai, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB và Mai Hữu Khương, nguyên thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Khối kinh doanh, kiêm Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn Ngân hàng VNCB. Trong đó, Phạm Công Danh giữ vai trò chính.
 
Đến giờ, khi ông Danh bị khởi tố, bắt tạm giam, thì nhân thân con người này mới được "chú ý"; không ít người trong cơ quan quản lý nhà nước "giật mình". Qua tìm hiểu được biết, ông Phạm Công Danh, 49 tuổi, tại Quảng Ngãi. Học đến lớp 9/12, ông nghỉ học để theo gia đình làm nghề sản xuất gạch hoa (một nghề khá "phất" thời đó). Mới hơn 20 tuổi, nhìn bề ngoài, ai cũng tưởng ông Danh đã nắm được thời cơ để làm giàu khi liên kết với một đơn vị quân đội để sản xuất fibroximăng và gạch lát hoa với số vốn lên tới 640 triệu đồng - một số vốn khá lớn ở thời điểm năm 1989. Nhưng đằng sau sự khuếch trương, là việc ông Danh đã biết cách buôn bán lòng vòng để trốn thuế. Nghiêm trọng hơn, lợi dụng pháp nhân và số vốn "ảo", ông Danh đã huy động vốn, vay nợ, mua hàng chậm trả để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và công dân.
 
Việc làm ăn bất chính bị Công an phát hiện, đến ngày 13/6/1991, Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi đã ra cáo trạng truy tố ông Danh 2 tội: "lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" và tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân". Theo đó, tại bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Danh 6 năm tù giam đã có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình thụ án tại Trại giam Quảng Ngãi, do lao động cải tạo chấp hành nội quy tốt, Trại giam Quảng Ngãi đã đề nghị tha tù trước thời hạn cho ông Danh. Đến ngày 10/3/1997, ông Danh được trả tự do theo Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù số 11/GCN của Trại giam Quảng Ngãi do Giám thị Lê Văn Lai đã ký.
 
Theo  Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ ban hành về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại, Điều 19 - "Những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ" quy định tại điểm 1, mục c và điểm 2, mục a đối với những người đã từng bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu; người đã từng bị kết án về các tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên; không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc của ngân hàng.
 
Chúng tôi được biết, việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT là thông qua Đại hội cổ đông, nhưng phải được phê chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng. Với trường hợp ông Phạm Công Danh, người đã từng mắc sai phạm trong làm ăn kinh tế, không hiểu vì sao vẫn được bổ nhiệm và phê chuẩn chức danh cấp cao trong Ngân hàng VNCB?
 
Được biết, trong một diễn biến nhằm giữ ổn định hoạt động bình thường của Ngân hàng VNCB, một Ban lãnh đạo mới của Ngân hàng VNCB đã được bổ nhiệm, cho đến nay, Ngân hàng VNCB hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ Giám sát do NHNN thành lập. Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký văn bản hợp tác toàn diện với mục đích hỗ trợ nhằm tái cơ cấu thành công Ngân hàng VNCB.
 
Như vậy, việc bắt giữ 3 bị can nêu trên không ảnh hưởng đến các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng VNCB. Hy vọng, với việc tái cơ cấu, Ngân hàng VNCB sẽ hoạt động đi vào ổn định
 
Đào Minh Khoa – cand.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến