Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ quản lý trực tiếp với DN lớn và quản lý gián tiếp thông qua SCIC với DN nhỏ. Ảnh: Gia Khoa
Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với nhiều điểm mới về quyền của đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), cách thức quản trị DN.
Báo Đấu thầu có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) xung quanh dự thảo này.
Dự thảo Quyết định nêu danh sách 19 DN thuộc đối tượng chuyển giao. Thưa ông, đâu là căn cứ để đưa ra danh sách này?
Quyết định này là một trong những văn bản để đồng bộ cho việc hình thành và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.
Thực tế, việc bàn giao được tiến hành theo cách sau: song song với việc bàn giao các công ty lớn theo danh mục về Ủy ban thì các tổng công ty, các tập đoàn và các DN có quy mô nhỏ hơn cũng được bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau khi thực hiện cổ phần hoá hoặc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, SCIC cũng thuộc danh sách bàn giao về Ủy ban.
Như vậy, nguyên tắc quản lý là gọn nhẹ theo cách thức thực hiện là quản lý trực tiếp với DN lớn và quản lý gián tiếp thông qua SCIC với DN nhỏ.
Bên cạnh đó, vẫn có một số DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ như DN công ích do các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành quản lý. Đó là các DN an ninh quốc phòng, thuỷ nông, xổ số, trồng rừng. Các ngân hàng thương mại cũng tạm thời để cho Ngân hàng Nhà nước quản lý để đảm bảo an ninh tiền tệ.
Ngoài ra, các DN ở một số địa phương như Hà Nội và TP.HCM khi cổ phần hoá sẽ không bàn giao về SCIC hay Ủy ban, mà sẽ có cơ chế thí điểm đầu mối hình thành cơ quan đầu tư vốn hoặc cơ quan quản lý vốn tại hai địa phương này theo cơ chế đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua nhằm đảm bảo tính đột phá cho các trung tâm kinh tế đầu tàu này.
Trong quá trình chuyển giao, lãnh đạo hiện thời của các DN này có phải chuyển công tác không, thưa ông?
Điều này còn tuỳ thuộc vào hiệu quả hoạt động của DN. Theo đúng quy định, nếu kết quả kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp thì DN rơi vào diện giám sát đặc biệt và ban lãnh đạo đó hiển nhiên bị xem xét thay thế. Ủy ban sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để ban hành tiêu chí, để có thể lựa chọn người thay thế những vị trí này.
Ông Đặng Quyết Tiến
Việc thành lập, ra đời Ủy ban là bước đầu. Bước tiếp theo cần làm là nâng cao hiệu quả quản trị DN và tiến tới có thể thuê người đại diện vốn sở hữu nhà nước tại DN thay vì bổ nhiệm như hiện nay để bộ máy bớt cồng kềnh và đảm bảo tính khách quan, hiệu quả.
Theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, mô hình ủy ban này không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các DN. Điều này có nghĩa là Ủy ban chỉ giám sát theo vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và thông qua chỉ đạo người đại diện vốn của mình tại DN. Việc điều hành DN sẽ phân cấp bằng cách giao cho HĐTV/người đại diện vốn tại DNNN/DN có vốn nhà nước và ban điều hành theo từng mức độ phân cấp khác nhau.
Cách làm như vậy có dẫn đến tình trạng quản lý cồng kềnh hay không, thưa ông?
DN xây dựng điều lệ hoạt động và được Ủy ban cho ý kiến để trình Chính phủ ban hành. Nhiệm vụ của Ủy ban được chỉ rõ: thúc đẩy nâng cao hiệu quả quản trị DN, giảm can thiệp hành chính của cơ quan nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng điều hành.
Nói cách khác, Ủy ban là cơ quan thực thi, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, nên sẽ xây dựng, ban hành các quy chế nội bộ, các hệ thống tiêu chí đánh giá, giám sát khoa học về cán bộ, về hiệu quả sản xuất kinh doanh... để áp dụng cho các DN do Ủy ban quản lý.
Việc xây dựng quy chế, tiêu chí cụ thể là trách nhiệm của DN - chính là công tác đổi mới quản trị DN, các quy chế, tiêu chí này phải có ý kiến phê chuẩn của Ủy ban và tuân thủ các quy định của pháp luật (sẽ được Ủy ban tham vấn các bộ, ngành quản lý nhà nước). Việc đổi mới quản trị là yêu cầu bắt buộc của DN và là nhiệm vụ chính của người đứng đầu DN. Trường hợp DN cố tình trì hoãn thì Ủy ban sẽ phải thay thế người đứng đầu DN.
Điều khó nhất của Ủy ban là đảm bảo không can thiệp hành chính vào DN như cơ quan quản lý nhà nước, mà thực hiện quản lý, giám sát thông qua hệ thống các tiêu chí theo quy trình, quy chế khoa học gắn với việc tận dụng hữu hiệu công nghệ thông tin.
Khi nào Quyết định được ban hành, thưa ông?
Chúng tôi đang gấp rút lấy ý kiến, dự kiến tháng 9 sẽ xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ vào đầu tháng 10. Ban soạn thảo mong muốn sau khi Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban được ban hành thì quyết định này cũng được ban hành.
Theo Đấu thầu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy