Dòng sự kiện:
Vết thương lan rộng của tiền mã hóa
22/07/2022 10:39:04
Triển vọng u ám bao trùm ngành công nghiệp tiền mã hóa. Các công ty sa thải ồ ạt, ráo riết đòi nợ bên vay, thậm chí trượt đến bờ vực phá sản.

Vết thương đang lan rộng trong ngành công nghiệp tiền mã hóa sau khi thị trường suy yếu, các quỹ đầu tư và công ty cho vay sụp đổ. Theo CNBC, startup tiền mã hóa Blockchain.com cho biết đã sa thải 25% với lý do "điều kiện thị trường khắc nghiệt".

Công ty cũng đóng cửa trụ sở ở Argentina và hủy bỏ kế hoạch mở rộng tại nhiều quốc gia.

"Điều kiện thị trường khắc nghiệt" cũng là lý do được nhiều công ty trong ngành đưa ra thời gian qua. Việc quỹ đầu cơ tiền mã hóa Three Arrows Capital (3AC) phá sản được coi là quân domino đầu tiên, kéo các công ty khác sụp đổ theo.


Các công ty trong ngành công nghiệp tiền mã hóa ồ ạt sa thải nhân viên và hoãn kế hoạch mở rộng. Ảnh: Reuters.

Hiệu ứng lan tỏa

Cách đây 4 tháng, 3AC vẫn quản lý khối tài sản trị giá khoảng 10 tỷ USD và là một trong những quỹ đầu cơ tiền mã hóa có tiếng. Giờ, công ty đã trượt tới bờ vực phá sản. Chiến lược giao dịch rủi ro của 3AC đã chịu tác động nặng nề khi thị trường tiền mã hóa suy yếu.

Đáng nói, công ty còn làm ăn với nhiều sàn giao dịch và bên cho vay khác.

Voyager Digital đã nộp đơn bảo hộ phá sản sau khi 3AC vỡ nợ khoản vay trị giá hơn 660 triệu USD. Các công ty cho vay tiền mã hóa Genesis và BlockFi (Mỹ), nền tảng phái sinh tiền mã hóa BitMEX và sàn giao dịch FTX cũng đang thua lỗ vì làm ăn với 3AC.

Trong khi đó, Blockchain.com đã cho 3AC vay 270 triệu USD tiền mã hóa và được dự báo sẽ mất trắng.

Chiến lược kinh doanh của 3AC là vay tiền ồ ạt, sau đó quay vòng vốn và đầu tư số tiền đó vào những dự án tiền mã hóa khác, thường là các dự án mới. 3AC thậm chí còn hứa hẹn trả lãi lên tới 20% với những nhà đầu tư nhỏ lẻ.


Khi thị trường suy yếu, mô hình kinh doanh rủi ro của các công ty tiền mã hóa sụp đổ. Ảnh: Reuters.

Theo CNBC, các luật sư đại diện cho chủ nợ của 3CA cho biết 2 nhà sáng lập của 3AC vẫn chưa hợp tác với họ "theo bất cứ hình thức nào". Theo những cáo buộc, quá trình thanh lý tài sản cũng chưa được triển khai. Điều này đồng nghĩa với việc công ty không có tiền mặt để trả bên cho vay.

Theo CoinDesk, tuần trước, ông Peter Smith - CEO của Blockchain.com - khẳng định sàn giao dịch của công ty "vẫn đảm bảo tính thanh khoản và đủ năng lực thanh toán". Vị CEO cho biết khách hàng của công ty sẽ không bị ảnh hưởng.

Nhưng Voyager cũng đưa ra tuyên bố tương tự chỉ vài ngày trước khi nộp đơn phá sản.

Được thành lập năm 2012, Blockchain.com là một sàn giao dịch kiêm ví mã hóa. Công ty được định giá 14 tỷ USD trong một vòng gọi vốn công bố hồi đầu năm.

Tín hiệu đáng ngại

Trong khi đó, theo Bloomberg, sàn giao dịch tiền mã hóa Zipmex cũng vừa thông báo tạm dừng cho phép khách hàng rút tiền. Zipmex bắt đầu hoạt động vào tháng 9/2019 và có trụ sở tại cả Singapore và Thái Lan.

Theo tuyên bố, công ty gặp rắc rối tài chính vì khoản vay 48 triệu USD của Babel Finance và 5 triệu USD đối với Celsius Network Ltd. Cả 2 công ty cho vay tiền mã hóa trên đều rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt.

Mới đây, Celsius - một trong những công ty cho vay tiền mã hóa lớn - vừa thông báo sẽ nộp đơn phá sản. Các khách hàng từng được hứa hẹn trả lãi tới 17% giờ đứng trước nguy cơ mất trắng.

Celsius có hơn 100.000 chủ nợ, bao gồm cả khách hàng gửi tiền và các bên cho vay. Tính đến tháng 5, công ty có dư nợ 8 tỷ USD và quản lý khối tài sản trị giá 12 tỷ USD.

Cách đây một tháng, công ty gây xôn xao dư luận sau khi đóng băng tài khoản của khách hàng. Người dùng Celsius không thể rút hay chuyển tiền.

Theo ông Adam Levitin - giáo sư luật tại Đại học Georgetown, khách hàng của Celsius sẽ không được nhận lại tiền trong nhiều năm. Đáng nói, khoản tiền mã hóa được hoàn trả có thể giảm giá trị đáng kể so với ban đầu.

Ông Nik Bhatia - giáo sư tài chính và kinh tế kinh doanh tại Đại học Nam California - cho rằng tác động tiêu cực sẽ lan tỏa đến mọi công ty nắm giữ nhiều tài sản rủi ro và đang bị suy yếu thanh khoản.

Quay lại với Zipmex - nền tảng châu Á đang lao đao vì làm ăn với các công ty cho vay tiền mã hóa đã phá sản, Giám đốc điều hành Akalarp Yimwilai cho biết đang đàm phán với những nhà đầu tư mới nhằm huy động vốn cho một "gói cứu trợ".

"Zipmex đang cân nhắc mọi phương án hiện có, bao gồm huy động vốn, các hành động pháp lý và tái cấu trúc", công ty cho biết trong một bài đăng trên Facebook.

 Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến