Dòng sự kiện:
Vì dịch Covid-19, Ủy ban Chứng khoán đề xuất giảm phí giao dịch phái sinh
13/03/2020 09:52:55
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra, Ủy ban Chứng khoán sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp ngành chứng khoán, nhà đầu tư.

Bất chấp những nỗ lực hạ lãi suất của FED, các thị trường tài chính trên toàn cầu tiếp tục hoảng loạn bởi sự bùng phát của dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, ngay từ những phút mở cửa phiên 13/3, áp lực bán tăng mạnh khiến các chỉ số chìm sâu trong sắc đỏ và VN-Index mau chóng mất hơn 40 điểm.

Cụ thể, tại thời điểm 9h25 ngày hôm nay (13/2), chỉ số VN-Index giảm 43,41 điểm (5,64%) xuống 725,84 điểm; HNX-Index giảm 3,93% xuống 97,91 điểm và UPCom-Index giảm 2,49% xuống 49,65 điểm. Khối ngoại hiện bán ròng 55 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Trước thực tế này, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán (UBCK) kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường và các công ty chứng khoán (CTCK) trong tình hình khó khăn do dịch Covid-19.

Theo đó, VASB kiến nghị giảm phí tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Hà Nội (HNX) cho các CTCK từ 0,03% xuống còn 0,01%, qua đó hỗ trợ giảm phí cho nhà đầu tư.

Hiệp hội cũng đề xuất giảm 50% các loại giá dịch vụ hiện đang áp dụng như giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch, dịch vụ quản lý thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh, dịch vụ giao dịch chứng khoán, dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh...

Vì dịch Covid-19, Ủy ban Chứng khoán đề xuất giảm phí giao dịch phái sinh. (Ảnh minh hoạ)

Về giá dịch vụ áp dụng tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng được VSAB kiến nghị giảm 50% như giá dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, giá dịch vụ lưu ký và chuyển khoản chứng khoán...

Về việc giảm thuế, VASB cũng đề xuất giảm thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán từ 0,1% xuống còn 0,05%. Giảm thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, cổ tức, lãi tiền gửi từ 5% xuống 3% và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15%.

VASB cũng kiến nghị Bộ Tài chính và UBCKNN cần xem xét áp dụng các biện pháp nhằm tăng thanh khoản của thị trường đã có sẵn khung pháp lý và đã được kiến nghị như nới rộng danh mục margin, giao dịch trong ngày, các sản phẩm mới như chứng quyền bán...

Hiệp hội cũng khuyến nghị Bộ Tài chính nên nhanh chóng sửa đổi NĐ số 20/2018/NĐ-CP quy định về quản lý thuế liên quan hạn mức chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch lien kế theo hướng nâng mức khống chế chi phí lãi vay và tính toán chi phí lãi vay theo cách tính chi phí lãi vay thuần (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) với thời hạn hiệu lực hồi tố từ 2017.

Trước đề xuất trên của các thành viên thị trường, VASB, mới đây, UBCKNN đã tổ chức cuộc họp với các công ty chứng khoán và quản lý quỹ để tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Tại cuộc họp, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết đang xem xét việc nới dòng tiền vào thị trường với việc cho phép giao dịch ký quỹ (margin) cổ phiếu trên sàn UPCoM. Ông Sơn yêu cầu Sở GDCK Hà Nội (HNX) báo cáo trình UBCK ngay trong tuần tới đề xuất việc cho phép margin một số cổ phiếu tốt trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, để được chính thức phê duyệt kiến nghị này sẽ phải chờ sự đồng ý của Bộ Tài chính.

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo UBCK đã đốc thúc Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) xem xét giảm phí cho nhà đầu tư, đặc biệt biểu phí trên thị trường phái sinh nhằm hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư cũng như cải thiện thanh khoản thị trường.

Trước đó vào đầu năm 2019, VSD đã quy định thu phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ chứng khoán phái sinh với mức tối thiểu 400.000 đồng/tài khoản/tháng, điều này gây ra không ít khó dễ cho các tài khoản "nhỏ lẻ" giao dịch.

Đại diện nhiều công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ cũng kiến nghị giảm phí và giá các dịch vụ đang được cung cấp ở mức chỉ thu 50% so với hiện nay. Tuy nhiên, kiến nghị này không nằm trong thẩm quyền quyết định của UBCK phải chờ Bộ Tài chính phê duyệt.

Khánh Linh (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến