Dòng sự kiện:
Vĩ mô ổn định, chứng khoán Việt kỳ vọng 'lên ngàn'
01/10/2019 18:00:32
Thị trường chứng khoán trong nước cuối tuần qua khép lại bằng phiên tăng điểm mạnh nhất 10 phiên, áp sát ngưỡng tâm lý 1000 điểm. Sự hưng phấn tiếp tục kéo dài đến sáng đầu tuần này.

Kết phiên sáng, VN-Index tăng 5 điểm (+0,5%), lên 1.002,84 điểm. 

Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ dâng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu, VN-Index chốt phiên cuối tháng 9 giảm 1,28 điểm (-0,13%) xuống 996,56 điểm. Lần thứ 3 trong vài tháng qua, thị trường lỡ hẹn mốc 1000 điểm.

VN-Index 3 tháng gần đây

Nhiều thông tin tích cực hỗ trợ thị trường

Trên thực tế, cơ hội “lên ngàn” của thị trường đang trở nên sáng sủa khi dòng tiền lớn quay trở lại tham gia vào giao dịch, với tuần thứ 3 tăng liên tiếp. Thống kê cho thấy, thanh khoản thị trường đang ở mức sôi động, với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 3.500 tỷ đồng/phiên, cao nhất trong hơn 1 tháng qua nếu không tính phiên cơ cấu danh mục ETFs vừa qua.

Về nguyên nhân, trong thời gian ngắn vừa qua, thị trường chứng khoán đón nhận liên tiếp các thông tin tích cực có tính chất hỗ trợ cho thị trường. Theo đó, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2019 lên tới 6,98% vượt mọi dự báo và là mức tăng trưởng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây. CPI trong 9 tháng  cũng được ghi nhận có mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, trung tuần tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã lần đầu tiên cắt giảm lãi suất điều hành kể từ năm 2017. Đánh giá về sự kiện này, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng việc NHNN cắt giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng tích cực tới thị trường chứng khoán.

Đáng chú ý, BSC dẫn tham chiếu trong 10 năm trở lại đây, nhận định “ lãi suất điều hành gần như có xu hướng đối nghịch với đà tăng của thị trường chứng khoán”. Trong đó, đà tăng tốt nhất của thị trường được ghi nhận trong khoảng thời gian 1 tháng và 6 tháng kể từ ngày NHNN cắt giảm lãi suất.

Cụ thể, trong khoảng thời gian 1 tháng, VN-Index tăng trung bình 3,41% và trong khoảng 6 tháng có mức tăng vượt trội lên tới 12,88%.

Ngoài ra, trong hai tháng 6 và 7 vừa qua, thị trường cũng đã chính thức giao dịch 2 sản phẩm thị trường bậc cao là chứng quyền có bảo đảm và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Bên cạnh sản phẩm chứng khoán phái sinh, việc cho ra mắt 2 sản phẩm trên giúp chứng khoán Việt Nam từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn và điều kiện nâng hạng thị trường.

Nỗ lực của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã được ghi nhận khi FTSE Russell vừa qua đã tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường. Trong trường hợp được nâng hạng ở kỳ đánh giá tới, dòng vốn ngoại lớn được kỳ vọng sẽ đổ vào thị trường Việt Nam.

Đối với nguyên nhân bên ngoài, các nhân tố tích cực cũng có phần chiếm ưu thế. Mặc dù vẫn còn đó những lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tuy nhiên với việc cắt giảm lãi suất đang trở thành xu thế ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có thể là nơi tìm đến của các dòng vốn đầu tư ngoại.

Thanh khoản và cổ phiếu ngân hàng - Nhân tố hỗ trợ VN-Index vượt đỉnh

Nhận định về kỳ vọng vượt 1000 điểm, báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng VN-Index sẽ vượt qua mốc 1000 điểm vào cuối tuần và hướng lên mốc kháng cự tiếp theo tại 1015-1025 điểm.

Trong khi đó, theo phân tích của CTCP Chứng khoán Quân đội (MBS), dòng tiền trên thị trường hiện nay vẫn đang tập trung chủ yếu ở nhóm các cổ phiếu kín room cũng như nhóm VN30. Việc sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh mới đây đưa ra bộ quy tắc xây dựng bộ 3 chỉ số mới phục vụ nhóm ETF sẽ là động lực cho nhóm này tiếp tục tăng trưởng.

Trong số đó, nhóm cổ phiếu dẫn dắt chỉ số là ngân hàng chiếm khoảng 25% thanh khoản của thị trường về giá trị giao dịch sẽ rất được quan tâm. Để thị trường có thể vượt ngưỡng cản tâm lý quan trọng thì không thể thiếu vai trò của nhóm này.

Về kỹ thuật, đây là lần thứ 3 chỉ trong vài tháng qua thị trường lỡ hẹn mốc 1000 điểm. Nguyên nhân chính ở đây là dòng tiền đã không đạt được sức mua đủ lớn để thị trường vượt cản.

Cụ thể, ở các lần tiệm cận đỉnh tâm lý tháng 4 và tháng 7 vừa qua, thanh khoản giao dịch khớp lệnh bình quân của 2 tuần trước khi áp sát ngưỡng cản 1000 điểm chỉ đạt lần lượt 3 nghìn tỷ và 2,78 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, kể từ đầu năm đến nay, lần duy nhất thị trường vượt đỉnh thành công là vào tháng 3 khi thanh khoản giao dịch khớp lệnh bình quân 2 tuần trước đó lên tới 3,8 nghìn tỷ đồng.

Vì vậy, bên cạnh vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng, “để thị trường có thể vượt đỉnh thành công lần này thì thanh khoản của giao dịch khớp lệnh ít nhất phải đạt mức trung bình trên 3 nghìn tỷ đồng/phiên”, MBS nhận định.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến