Dòng sự kiện:
Vì sao cả thế giới dõi theo cuộc gặp Trump - Putin?
16/07/2018 14:45:35
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sắp gặp nhau ở Helsinki, thủ đô Phần Lan. Tại sao sự kiện này lại được cả thế giới chú ý?

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

BBC nêu ra một số điểm chính liên quan cuộc gặp Trump-Putin:

Vì sao Nga - Mỹ luôn căng thẳng?

Theo BBC, căng thẳng giữa hai nước có từ Chiến tranh Lạnh (từ 1945 đến 1989). Họ chưa từng chiến tranh trực tiếp với nhau nhưng những khác biệt vẫn tồn tại sau khi Liên Xô sụp đổ, và Mỹ ra sức củng cố vị thế siêu cường duy nhất trên hành tinh.

Đến nay, ông Putin luôn công khai thể hiện quyết tâm tái xác lập sức mạnh Nga sau nhiều năm suy yếu, kể cả chấp nhận xung khắc với Mỹ. Năm 2014, quan hệ giữa hai nước trở nên xấu chưa từng có vì Moscow sáp nhập bán đảo tự trị Crưm khỏi miền đông Ukraina. Mỹ và nhiều nước ra tay trừng phạt kinh tế liên tiếp đối với Nga.

Lý do cả thế giới dõi theo cuộc gặp Trump-Putin

Quan hệ giữa hai vị tổng thống hiện đang bị nhiều người "săm soi" bởi có cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Moscow phủ nhận điều này.

Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Nga đã tìm cách tác động cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump. Một cuộc điều tra về hành động của Nga và liệu có ai trong đội ngũ chiến dịch tranh cử Trump thông đồng với Moscow hiện đang là chủ đề điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Tổng thống Trump mô tả cuộc điều tra này là một "cuộc săn phù thủy". Ông gọi đó là âm mưu của đảng Dân chủ do chịu thất bại bầu cử quá cay đắng.

Kể từ khi nhậm chức tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã tìm cách cải thiện quan hệ với Nga, trái với chính sách truyền thống của đảng Cộng hòa. Tháng trước, ông kêu gọi chấp nhận Nga trở lại nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 – sau khi Nga bị loại vì sáp nhập bán đảo Crưm.

Trump-Putin từng nói gì về nhau?

Tổng thống Trump đã có nhiều bình luận khen ngợi người đồng cấp Nga. "Thật là một nhà lãnh đạo giỏi, hơn hẳn Tổng thống của chúng ta", ông Trump nói năm 2016, so sánh ông Putin với Barack Obama. Năm ngoái, ông mô tả Putin là một "người cứng rắn".

Hồi tháng 3, ông Trump chúc mừng Putin tái cử bất chấp nhiều cố vấn khuyên không nên làm như vậy.

Ông Putin dù tỏ ra thận trọng hơn trong quan điểm về ông Trump nhưng cũng khen Tổng thống Mỹ là một người "rất thông minh, tài năng" và "nhiều màu sắc".

Hai người bàn gì ở Helsinki?

Các thông cáo chính thức không liệt kê chi tiết, nhưng cuộc gặp thượng đỉnh nhiều khả năng bao gồm:

Kiểm soát vũ khí: Cả hai nhà lãnh đạo đều từng nói đến sức mạnh hạt nhân của nước mình, và các chuyên gia cho rằng đây là một trong những điểm chính được bàn bạc. Nga và Mỹ có một thỏa thuận gọi là Khởi đầu Mới, nhằm cắt giảm và hạt chế quy mô các kho vũ khí hạt nhân của hai nước. Thỏa thuận có hiệu lực cho đến năm 2021, và bất kỳ tiến bộ nào trong mở rộng thỏa thuận đều được xem là tín hiệu tốt. Hai ông nhiều khả năng cũng bàn bạc một hiệp ước tên lửa ký từ năm 1987.

Cấm vận của Mỹ: Đó là những đòn trừng phạt áp đặt lên các công ty và cá nhân liên quan đến việc Nga sáp nhập Crưm, vai trò của Nga ở đông Ukraina và trong cuộc xung đột Syria, cũng như cáo buộc Moscow can thiệp cuộc bầu cử năm 2016. Việc nới lỏng cấm vận cần được quốc hội Mỹ thông qua nhưng Tổng thống Trump có thể sẽ tỏ dấu hiệu rằng danh sách trừng phạt sẽ không mở rộng thêm.

Ukraina: Mỹ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraina, và Tổng thống Putin muốn điều đó chấm dứt. Nhưng khả năng này khó thành hiện thực. Cả hai nhà lãnh đạo có thể nhất trí cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tới tuần tra ở đông Ukraina.

Syria: Israel, một đồng minh then chốt của Mỹ, muốn thấy Iran và các lực lượng được Tehran ủng hộ phải rút khỏi tây nam Syria, vùng tiếp giáp biên giới Israel. Ông Trump có thể sẽ nêu ra vấn đề này nhưng giới phân tích không chắc ông Putin sẽ hứa hẹn điều gì.

Vì sao các đồng minh của Mỹ lo lắng?

Trong một cuộc gặp thượng đỉnh với các thành viên NATO tuần trước, Tổng thống Trump đã ký một thông cáo chung lên án "sự hiếu chiến của Nga". Vấn đề nhiều người đặt ra là liệu ông có trực tiếp nêu lên quan ngại của các đồng minh với người đồng cấp Nga?

Có thông tin các thành viên châu Âu không hề được thông báo về những gì ông Trump thực sự định đạt được ở Helsinki. Cũng có lo ngại rằng sau một chuyến công du căng thẳng đến châu Âu, Tổng thống Mỹ sẽ dành cho Putin những ngôn từ nồng ấm.

Ông Trump lên án các đồng minh NATO về chi tiêu quốc phòng, cho rằng Đức "bị Nga kiểm soát" vì nhập khẩu khí đốt của Moscow, và chỉ trích kế hoạch Brexit (rút Anh khỏi EU) của Thủ tướng Theresa May.

Kết quả cuộc gặp

Thật khó đoán. Cách tiếp cận của Tổng thống Trump với các hội nghị thượng đỉnh như vậy gây khó cho bất kỳ đoán định nào. Tuy nhiên, các cố vấn Mỹ nhận định rất khó đạt kết quả đột phá.

Theo VietNamNet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến