Dòng sự kiện:
Vì sao cổ phiếu PVP tăng mạnh, thanh khoản cao?
14/04/2024 08:05:57
Trong 3 phiên gần nhất, cổ phiếu PVP của CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương - PVTrans Pacific tăng mạnh cùng thanh khoản cao.

Sau 1 tuần tăng bật tích cực, nhóm cổ phiếu dầu khí đã “nhường” lại cuộc chơi cho nhóm ngành ngân hàng. Theo cập nhật mới nhất phiên ngày 12/4, cổ phiếu ngành dầu khí có diễn biến phân hóa, riêng PVP vẫn ổn định mức tăng cao thứ 2, chỉ sau POS (+14,29%).

 Trước đó, vào tháng 1, 800.000 cổ phiếu của PV Trans Pacific do TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nắm giữ đã được bán thành công, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư.

 Sau giao dịch, VCBS đã giảm sở hữu tại PVTrans Pacific từ 5,19 triệu cổ phiếu (5,51%) xuống còn 4,7 triệu cổ phiếu (4,99%) và không còn là cổ đông lớn của công ty này từ ngày 12/1/2024.

 Như vậy, hiện PV Trans Pacific chỉ còn 2 cổ đông lớn là Công ty mẹ - Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT - sàn HOSE) nắm giữ 64,92% vốn, tương đương sở hữu 61,2 triệu cổ phiếu PVP và CTCP Quản lý Đầu tư Tài chính Dầu khí nắm giữ 8,96% vốn, tương đương 8,45 triệu cổ phiếu.

 Về hoạt động kinh doanh, Công ty cho biết năm 2023 đạt doanh thu thuần 1.661 tỷ đồng, vượt 19% so với kế hoạch doanh thu 1.450 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 235,26 tỷ đồng, vượt hơn 18% so với kế hoạch lãi 200 tỷ đồng; và nộp ngân sách nhà nước 100,26 tỷ đồng, vượt 79% so với kế hoạch ban đầu 52,4 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của PVTrans Pacific đạt 2.714 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh đến 85%, còn 108 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 53% còn 225 tỷ đồng, trong khi đó đầu tư tài chính ngắn hạn lại tăng đến 4,5 lần lên hơn 875 tỷ đồng. Hàng tồn kho của PVP cũng giảm mạnh 35%, xuống còn gần 343 tỷ đồng.

 Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả hơn 983 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, trong đó chiếm một nửa là khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn với hơn 456 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm. Tuy nhiên khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm gần 3 lần, còn 135 tỷ đồng khiến cho về cơ bản nợ của doanh nghiệp này ít biến động.

 Vốn chủ sở hữu của PVP biến động không quá lớn so với đầu năm là 1.727 tỷ đồng, trong đó có trên 184 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và trên 598 tỷ đồng dành cho quỹ đầu tư phát triển.

Trong năm 2023, PVTrans Pacific đã đầu tư mua và thuê mua tổng cộng 12 tàu, nâng tổng số tàu trong đội tàu lên 51 chiếc với tổng trọng tải gần 1,4 triệu DWT. Khoản chi trong năm của PVP đối với mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn là 577 tỷ đồng, vượt trội so với 92 triệu đồng năm trước.

 Biểu đồ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận PVP

Bước sang năm 2024, PVTrans Pacific sẽ bám sát kế hoạch sản xuất kinh doanh, thông tin thị trường và các giải pháp để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Đặc biệt là tiếp tục công tác đầu tư trẻ hóa đội tàu để PVTrans Pacific phát triển bền vững.

Hiện nay, PVTrans Pacific vẫn giữ vững vị thế là nhà vận tải và cung cấp dịch vụ hàng hải lớn nhất Việt Nam, chiếm 100% thị phần vận chuyển dầu thô và LPG trong nước. Đóng cửa phiên 12/4/2024, cổ phiếu PVP tăng 5,26% lên mức 15.000 đồng/CP.

Tác giả: Thảo Nhi

Theo: Vietnamdaily
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến