Vì sao Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc thua lỗ nghìn tỉ?
16/01/2017 09:04:38
ANTT.VN – Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ ra nguyên nhân phá sản của 2 nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc của Tập đoàn Hóa chất Công nghiệp Việt Nam (Vinachem) tại Hội nghị tổng kết của Tập đoàn này diễn ra hôm qua 14/1.

Tin liên quan

Dự án Đạm Ninh Bình thua lỗ 12.000 tỉ hiện vẫn chưa xử lý xong

Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc là 2 trong số 12 dự án nghìn tỷ nhưng thua lỗ, đắp chiếu đã được Bộ Công Thương "điểm danh", vừa qua Chính phủ yêu cầu tìm hướng xử lý triệt để.

Nhà máy Đạm Ninh Bình được Vinachem đầu tư 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỉ đồng), khởi công từ năm 2008. Sau 4 năm đi vào hoạt động, nhà máy lâm vào thua lỗ kéo dài. Năm 2013 nhà máy này lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và năm 2016  đồng.dự kiến lỗ là 1.078 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc năm 2015 đi vào hoạt động đã lỗ ngay 669 tỷ đồng trong năm đầu. 9 tháng đầu năm 2016 số lỗ khoảng 700 tỷ và ước cả năm 2016 gần 1.000 tỷ. Như vậy sau 2 năm hoạt động nhà máy mở rộng số lỗ của đạm Hà Bắc ước tính lên đến hơn 1.500 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị nói trên về nguyên nhân thua lỗ của 2 nhà máy cũng như hoạt động kém hiệu quả nhiều mặt của Vinachem, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Nguyên nhân chủ quan lớn nhất là những hạn chế trong công tác quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là quản trị chi phí, tăng giá thành sản xuất, sản phẩm khó cạnh tranh”.

Ngoài ra, nguyên nhân nữa là: Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp đã được tập trung thực hiện, song chất lượng còn hạn chế, chưa toàn diện, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh trên thị trường; cổ phần hoá tại các đơn vị còn chậm, thực hiện chưa quyết liệt.

Hiệu quả đầu tư xây dựng một số dự án còn thấp, thậm chí yếu kém; cá biệt có dự án không thể thực hiện được mục tiêu đầu tư, một số dự án thực hiện chậm, một số dự án tính toán sai các yếu tố đầu vào (công nghệ, nguyên liệu) dẫn tới không hiệu quả… - Phó thủ tướng nói.

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Hoá chất tập trung xử lý triệt để tồn tại các dự án đang gặp khó khăn như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc.

Trong một diễn biến khác, trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng làm Trưởng Ban để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai xử lý khẩn trương, dứt điểm các vấn đề tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành.

Năm 2016 được ghi nhận là một là năm khó khăn với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Nhiều chỉ tiêu chính không đạt kế hoạch đề ra (doanh thu đạt gần 42.000 tỷ đồng, giảm 8,4%; xuất khẩu đạt 225 triệu USD, giảm 12%; thu nhập người lao động giảm 10% so với năm 2015...).

Nói về kế hoạch 2017 của Vinachem, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải giữ vững mục tiêu tái cơ cấu, đổi mới để phát triển; Giữ vững 4 nhóm ngành nghề kinh doanh chính gồm sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hoá chất; sản xuất và kinh doanh hoá chất cơ bản, hoá chất tiêu dùng, hoá dược;  công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su (lốp xe).

Phó thủ tướng lưu ý nhiệm vụ rất quan trọng là nâng cao chất lượng các dự án đầu tư từ khâu quy hoạch, điều tra, khảo sát, thiết kế, thi công, đưa công trình vào khai thác, sử dụng, bảo đảm chất lượng xây dựng, an toàn trong xây dựng và vận hành. Tập trung thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, khắc phục thất thoát, lãng phí, sử dụng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

”Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ rất quyết liệt để cùng với Tập đoàn khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển. Về phía Tập đoàn cũng phải rất nỗ lực để xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng dự án” - Phó Thủ tướng khẳng định.

P.V

 

 

.

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến