Dòng sự kiện:
Vì sao đang tinh giản biên chế vẫn lập Tổng Cục phòng chống thiên tai?
29/03/2018 19:20:51
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trong lúc tinh giảm bộ máy, biên chế rất mạnh mẽ, Chính phủ vẫn quyết định thành lập Tổng cục phòng chống thiên tai.

Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc phòng chống thiên tai.

Dự hội nghị còn có Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo TW về PCTT – Nguyễn Xuân Cương cùng một số lãnh đạo tỉnh, địa phương trên cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai.

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Việt Nam từ xưa đến nay có truyền thống kiên cường chống “giặc” bão lũ, thiên tai để giữ gìn dân tộc trường tồn nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam chưa đầu hàng trước bất kỳ sức mạnh nào, từ giặc ngoại xâm đến thiên tai.

Về tình hình thiên tai trong năm 2017, Thủ tướng nhận định:

“Chúng ta có nỗ lực nhưng thiệt hại vẫn rất lớn, với 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, thiệt hại 60.000 tỷ đồng, tương đương 1-1,5% GDP của quốc gia. Từ đó, chúng ta phải nhận thức được thiệt hại để có biện pháp, nhất là cơ sở hạ tầng”.

“Phải nhận thức được thiên tai ko đi theo quy luật nào, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của nhân dân, trong khi chúng ta đang nói không để ai bị tụt lại phía sau, nếu để dân đói, dân màn trời chiếu đất là trách nhiệm của chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trong lúc tinh giảm bộ máy, biên chế rất mạnh mẽ, Chính phủ vẫn quyết định thành lập Tổng cục phòng chống thiên tai theo đề xuất Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia.

Theo Thủ tướng, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, khó cảnh báo, không theo quy luật. Tuy nhiên năng lực cảnh báo, quan trắc còn nhiều vấn đề, nhất là dự báo lũ ống, lũ quét, lũ đá và sạt lở đất, trong đó Sơn La, Hoà Bình, Quảng Nam vừa qua đã phải trả giá rất đắt.

“Dự báo là khâu vô cùng quan trọng, nhất là lũ lụt, sạt lở đất. Nếu dự báo không tốt, thì hậu quả rất lớn. Khi đơn vị đã lên thành Tổng cục, lực lượng phải làm tốt hơn nữa và hiểu rõ trách nhiệm của mình”, Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ dự báo cần tốt hơn nữa.

Thủ tướng đánh giá trong năm 2017, công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều tiến bộ, cơ bản nhận thức của hệ thống chính trị tốt, các địa phương lo lắng chủ động. Nhiều Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố thức cùng anh em, trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống cũng như ứng cứu.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ còn tình trạng chủ quan rất lớn trong lãnh đạo địa phương và nhân dân, như tại Khánh Hoà, Phú Yên, nghĩ bão số 12 không vào, người dân không phòng bị nên gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Thủ tướng cảnh báo, lâu nay Việt Nam mới có bão cấp 11-12, nhưng với diễn biến bất thường của thiên tai, siêu bão có thể đổ bộ vào nước ta, do đó phải có phương án chủ động hơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá cao tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong khó khăn, hoạn nạn của nhiều đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Sự đùm bọc này rất quan trọng, trong khó khăn cần thương yêu thương nhau hơn. Không phải đèn nhà ai người đó tỏ, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, truyền thống đó phải thấm sâu từng người, từng gia đình”.

Thủ tướng yêu cầu công tác cảnh báo, dự báo cần làm tốt hơn nữa.

Trước khi kết thúc phiên họp buổi sáng, Thủ tướng nêu rõ, trong phòng chống thiên tai, phải thuận thiên trong chỉ đạo, ứng phó và xử lý hợp lý tùy theo tình hình. Phải coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn xã hội và nhân dân cùng làm.

Muốn giảm thiệt hại phải lấy phòng ngừa là chính, không chỉ quan tâm ứng phó, khắc phục, phải huy động mọi nguồn lực, phát huy 4 tại chỗ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu đưa nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế của từng ngành, từng địa phương, trong đó quy hoạch sản xuất phải biến nguy cơ thành cơ hội, tính toán lại tái cơ cấu nền nông nghiệp.

Riêng với bộ máy, Thủ tướng nêu rõ quan điểm theo tinh thần gọn và tinh, cán bộ giỏi nhưng trách nhiệm phải cao, gắn trách nhiệm với quyền lợi người dân, hướng về người dân. Nếu hệ thống vô trách nhiệm, bộ máy cồng kềnh thì phản tác dụng vì trong chống thiên tai, yêu cầu sự nhạy cảm rất lớn.

“Trước bão, anh gọi điện cũng tốt nhưng nếu đến sát dân, trực tiếp chỉ đạo di dời thì tốt hơn anh chỉ nói miệng”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đi thăm một số gian hàng về mô hình phòng chống thiên tai.

Ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về phòng chống thiên tai để các ngành, địa phương triển khai.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến