Bản đồ phân bố số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương (cập nhật lúc 6h ngày 25/2). (Đồ họa: Đỗ Ngọc Diệp).
Đến nay (25/2), Hải Dương đã bước vào ngày thứ 29 của "cuộc chiến" chống Covid-19 và là ngày thứ 10 thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hiện số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã giảm, các ổ dịch lớn đã cơ bản được khống chế. Tổng số ca mắc Covid-19 tính đến 6h sáng 25/2 là 636, đã có 225 người khỏi bệnh.
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc, vì sao dịch Covid-19 ở Hải Dương lại dai dẳng, khó dập và kéo dài lâu như vậy?
Để giải đáp những thắc mắc trên, sáng 25/2, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng.
- Đến thời điểm hiện tại, dưới góc độ chuyên môn, ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Hải Dương?
- Ngày 27/1, ngay khi nắm được thông tin một cô gái 32 tuổi ở TP Chí Linh (Hải Dương) dương tính với SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm ở sân bay của Nhật Bản, tỉnh này đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần khẩn trương.
Đến ngày 28/1, tỉnh Hải Dương đã thực hiện phong tỏa toàn bộ TP Chí Linh để khoanh vùng ổ dịch tại Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam (chi nhánh ở TP Chí Linh, Hải Dương).
Tiếp đến, ngày 5/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định phong tỏa, cách ly y tế đối với toàn bộ huyện Cẩm Giàng để phòng, chống dịch Covid-19.
Tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 16/2, tỉnh Hải Dương đã thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Những quyết định đó không chỉ đơn thuần là chống dịch cho Hải Dương mà chính là để giữ an toàn cho cả nước.
Tuy nhiên những yếu tố khách quan làm cho việc chống dịch ở Hải Dương khó khăn hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước đây.
Theo tôi những khó khăn có thể nhìn thấy ngay đó là chỉ trong một thời gian rất ngắn Hải Dương đã phải tổ chức cách ly tập trung với số lượng người rất lớn.
Chúng tôi được biết, từ khi có dịch Covid-19 đến nay chưa có địa phương nào phải tổ chức cách ly tập trung lên đến 15.000 người F1 như Hải Dương hiện nay.
Trong khi ở TP Chí Linh chỉ trong 24 giờ phải xử lý cách ly khẩn cấp cho hơn 2.300 công nhân của Công ty POYUN để thực hiện việc khóa chặt ổ dịch thì không phải là đơn giản chút nào.
Năng lực của 1 thành phố tương đương cấp huyện, trong 1 đêm phải di chuyển vài nghìn công nhân đến địa điểm cách ly tập trung an toàn, không gây mất trật tự an ninh, thực sự là một nỗ lực rất lớn.
Tôi cho rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương cũng như các lực lượng chống dịch ở đây đã rất nỗ lực và trách nhiệm trong chống dịch lần này.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng.
- Có ý kiến cho rằng, Hải Dương thực hiện cách ly xã hội chậm, dẫn đến dịch lan rộng, kéo dài, ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi cho rằng việc Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh như vậy là không hề chậm. Cái quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ trong các khu cách ly tập trung không để lây chéo, truy vết nhanh các ca mắc mới trong cộng đồng.
Tôi cho rằng mục tiêu lớn nhất đã đạt được là Hải Dương đã giữ chặt được toàn bộ nhóm công nhân có nguy cơ bị lây bệnh rất cao nơi mà đã có tới 176 ca bệnh dương tính được phát hiện trong cùng công ty mà không để cho họ di chuyển về các địa phương khác trong dip tết, tránh được sự lây lan dịch bệnh, giữ an toàn cho cả nước là điều chúng ta phải ghi nhận và đánh giá rất cao.
Chúng ta cần có cái nhìn công bằng, khách quan cho những nỗ lực rất lớn của tỉnh Hải Dương về việc này.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cách ly tập trung với lượng người nguy cơ cao lớn như vậy, với năng lực và điều kiện như TP Chí Linh, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót không ai mong muốn như số lượng người trong 1 phòng quá đông, thiếu công trình vệ sinh, vấn đề vệ sinh môi trường, người quản lý phục vụ khu cách ly chưa có kinh nghiệm.
Hải Dương đã bước vào ngày thứ 10 thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh.
Tôi cho rằng người được cách ly cũng chắc chắn chưa có đầy đủ kiến thức về phòng chống dịch bệnh trong khu cách ly và cũng chưa thực hiện tốt những quy định mà khu cách ly yêu cầu…
Bên cạnh đó, dịch xảy ra ban đầu ở môi trường khu công nghiệp đông công nhân nên lây nhiễm cao và tạo ra mối liên quan dịch tễ lớn với cộng đồng dân cư ở nhiều huyện khác nhau trong tỉnh.
Tại huyện Cẩm Giàng, dịch xuất phát từ dịch vụ nhạy cảm karaoke nên mối liên quan dịch tễ càng lớn và việc truy vết rất khó khăn.
Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, các phương tiện ra-vào Hải Dương đều phải có lý do chính đáng và kiểm tra y tế chặt chẽ để phòng ngừa lây lan dịch Covid-19.
Vấn đề phong tỏa, Hải Dương cũng có cách làm mới và sáng tạo, nhưng đã phong tỏa phải hết sức nghiêm ngặt không được để lây lan trong khu vực.
Về giãn cách xã hội cũng vậy, khi đánh giá được nguy cơ thì cũng nên có đáp ứng khác nhau về mức độ đáp ứng giãn cách giữa các huyện, thị để chúng ta vừa phòng chống dịch được mà không gây ảnh hưởng một cách không đáng có tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân.
Việc dịch bùng phát nhanh, lớn, dồn dập trong một thời gian rất ngắn chưa có tiền lệ ở một tỉnh như Hải Dương sẽ rất khó đòi hỏi trong việc đáp ứng chống dịch hoàn hảo trong bối cảnh khách quan như vậy.
- Ông có so sánh gì về công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Hải Dương với TP Đà Nẵng trước đó?
- Dịch tại Hải Dương hiện nay là do virus biến chủng kiểu Anh có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh.
Tỷ lệ người lành mang trùng rất cao, cao gấp đôi so với các vụ dịch trước đây (83%) theo công bố của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế.
Chính vì vậy vô cùng khó khăn để giám sát phát hiện ra ca bệnh thông qua các biện pháp giám sát thông thường mà bắt buộc phải thông qua xét nghiệm diện rộng, nhanh.
Các vụ dịch trước đây tỷ lệ người lành mang trùng chỉ 35%-40%.
Tình hình dịch bệnh tại Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng vì tốc độ lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao, thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng đào thải nhanh hơn.
Tốc độ lây lan gấp 4 lần chủng cũ. Nhưng cũng có may mắn là dịch chưa xâm nhập vào bệnh viện nên chưa có trường hợp nào tử vong như Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, ổ dịch phát hiện muộn cả ở Chí Linh và Cẩm Giàng nên đã gây ra sự lây nhiễm lớn.
Ngay bản thân khu cách ly cũng đã có nhiều trường hợp đã bị lây nhiễm và dễ lây lan ra các trường hợp khác cùng khu cách ly nếu thực hiện cách ly không nghiêm ngặt.
Điều đặc biệt, dịch xảy ra vào dịp cận Tết và Tết, mật độ đi lại đông nên lại càng khó khăn cho Hải Dương trong công tác chống dịch hơn.
Tôi cho rằng việc chống dịch ở Hải Dương cũng là bài học cho các địa phương khác khi xây dựng kịch bản cần rất cụ thể từ khâu chuẩn bị, đến cách thức cũng như kỹ thuật đáp ứng và kể cả cần thiết phải diễn tập với các tình huống đột xuất xảy ra để chúng ta có thể sẵn sàng đáp ứng với sự thay đổi phức tạp của dịch trong bất kỳ tình huống nào.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Nguyễn Dương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy