Dòng sự kiện:
Vì sao EVN báo lỗ nhưng công ty con lại ghi nhận lợi nhuận cao?
25/05/2023 18:10:47
Nhiều người dân, cử tri băn khoăn về việc EVN báo lỗ cũng như đặt ra vấn đề lãng phí khi điện Mặt Trời và điện gió không được hòa lên hệ thống mạng lưới điện quốc gia.

Nhân viên EVN Hà Nội triển khai mở rộng công suất trạm biến áp 110 kV Thường Tín. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong các báo cáo đều khẳng định tình hình sản xuất, kinh doanh điện liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN thì trong báo cáo chưa thấy làm rõ nguyên nhân và giải pháp cụ thể.

Bà Yên cũng đặt ra thắc mắc công ty mẹ báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Dẫn chứng, hai doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 lần lượt là 2.550 tỷ đồng và 3.668 tỷ đồng...

“Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao kết quả lại khác nhau, liệu đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý hay không?” bà Yên đặt câu hỏi.

Chung quan điểm, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết theo thông tin nắm được, hiện trong tổng số 100% sản lượng điện sản xuất thì EVN chỉ chiếm 11%, còn lại 89% là thuộc các công ty con, công ty trực thuộc của EVN.

“Vì sao EVN chỉ tăng giá bán lẻ điện của người dân mà không tăng tiền bán buôn điện của các công ty này. Do đó, cần xem xét EVN tại sao lại lỗ,” ông Minh nói.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhìn nhận việc đàm phán giá bán điện của EVN với các đơn vị sản xuất điện gió, điện Mặt Trời vẫn chưa có sự ngã ngũ, vô hình chung đã tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn.

“Rất nhiều người dân, cử tri bức xúc và đặt vấn đề tại sao lại đi nhập khẩu điện, trong khi điện Mặt Trời và điện gió không được hòa mạng vào hệ thống mạng lưới điện bởi đây là tài sản quốc gia. Trách nhiệm ở đây thuộc cơ quan nào?” đại biểu Minh truy vấn.

Nhấn mạnh rất lãng phí khi hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, đại biểu Tạ Thị Yên vẫn thể chưa lý giải được khi xây dựng xong lại không thể đấu nối, phát điện, trong khi nền kinh tế thiếu điện, phải tăng cường mua điện của Lào, Trung Quốc.

“Tôi cho rằng giải pháp lâu dài cho ngành điện là cần nghiên cứu, tìm ra phương án tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng, có thể tìm nguồn nhiên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất. Trong số đó, cần có cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện,” đại biểu Tạ Thị Yên góp ý.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, sản xuất điện chưa biết dồn trọng tâm để khai thác như năng lượng điện Mặt Trời và điện gió mới được đưa vào Quy hoạch điện VIII, mà không phải là Quy hoạch điện VII.

“Chúng ta xác định lâu dài nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào nhưng giá thành họ giảm tại sao nước ta lại không giảm và không sản xuất được điện trong nước mà phải nhập khẩu? Tại sao EVN lỗ triền miên? Về vấn đề này, thiết nghĩ cần phải xem xét trách nhiệm cán bộ EVN; xem xét mức chi tiêu, thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp này và Quốc hội cần phải mổ xẻ tận gốc vấn đề này,” đại biểu Vân cho hay.

Liên quan đến vấn đề lãng phí điện Mặt Trời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nếu vướng về vấn đề giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để cùng xây dựng giá, đảm bảo giải tỏa được nguồn vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và bỏ vốn ra làm.

Một nhà máy điện Mặt Trời ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) mới được đưa vận hành trong năm 2019. (Ảnh: Ngọc Hà//TTXVN)

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện không phải vướng mắc về giá, mà vướng về công suất, tức là hiện nay chúng ta đủ tải (tính về điện sản xuất và điện mua của nước ngoài). Trong khi đó, các hiệp định mua điện của nước ngoài đều đã được ký và trong quá trình triển khai.

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cũng bày tỏ sự băn khoăn khi mà Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt, trong khi để đầu tư nhà máy cũng phải cần từ 7-8 năm mới có thể cung ứng được điện cho nền kinh tế. "

"Rõ ràng nếu không có tăng trưởng điện thì không có cơ sở để tăng GDP, bởi nếu kinh tế tăng 7 thì sản xuất điện phải tăng tới 10. Do đó, đã đến lúc ngành điện cần vận hành theo thị trường, tránh đắp đập dâng nước quá cao để khi sửa sẽ vô cùng khó khăn,” đại biểu Toàn khuyến nghị./.

Tác giả: Nhóm PV

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến