Dòng sự kiện:
Vì sao FLC chậm công bố báo cáo tài chính dù quá hạn gần một tháng?
23/04/2022 14:45:38
Các doanh nghiệp niêm yết phải nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán chậm nhất vào ngày 31/3, nhưng đến hôm nay, cả FLC, ROS và HAI vẫn chưa công bố thông tin.

Tập đoàn FLC mới đây đã công bố văn bản giải trình việc doanh nghiệp chậm công bố báo cáo tài chính dẫn đến việc bị HoSE nhắc nhở và đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo.

Theo đó, FLC cho biết Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt đã được chọn là đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 của FLC.

Tuy nhiên vào ngày 30/3 năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt.

Vì vậy, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Tập đoàn FLC đến nay chưa được phát hành và công bố thông tin đúng thời hạn quy định.

FLC cho biết tập đoàn hiện nay đang gấp rút tìm đơn vị kiểm toán mới trong danh sách được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021.

Theo Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp niêm yết phải nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán chậm nhất vào ngày 31/3/2022 nhưng cho đến hôm nay (23/4), Tập đoàn FLC và hai doanh nghiệp liên quan là Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) và Công ty cổ phần Nông dược HAI (mã chứng khoán: HAI) vẫn chưa công bố báo cáo tài chính.

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE) đã 2 lần gửi công văn nhắc nhở cả ba doanh nghiệp trên, vào các ngày 8/4 và 15/4. Đến ngày 19/4, HoSE đã đưa cả ba mã cổ phiếu FLC, ROS và HAI vào diện cảnh báo vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Ngoài chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021, Tập đoàn FLC, Xây dựng FLC Faros và Nông dược HAI còn có điểm chung nữa là đều chưa công bố báo cáo thường niên năm 2021. Ngoài ra, cả 3 doanh nghiệp trước đó đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội thường niên 2022 nhưng cùng gia hạn thời gian tổ chức đại hội thường niên muộn nhất sang 30/6/2022.

Phiên 22/4, cổ phiếu FLC, ROS, HAI và nhiều mã liên quan như KLF, AMD, ART đều diễn biến khả quan, 4/6 mã thuộc nhóm này thậm chí tăng kịch trần dù trước đó đã mất từ 55-75% thị giá kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu nhưng không công bố thông tin.

4/6 mã thuộc "họ FLC" tăng kịch trần trong phiên 22/4 dù trước đó đã giảm sàn liên tục và mất từ 55-75% thị giá. (Ảnh: SSI)

Cơ quan Cảnh sát điều tra mới đây cũng thông báo cho các nhà đầu tư (bị hại) mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 liên hệ để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Công ty cổ phần tập đoàn FLC sẽ triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung bị bắt, ông Đặng Tất Thắng được giao đảm nhiệm vai trò Chủ tịch FLC từ ngày 31/3 cho đến khi Đại hội đồng cổ đông và HĐQT có quyết định mới. Hiện bên cạnh ông Thắng, HĐQT doanh nghiệp này còn 2 thành viên là bà Bùi Hải Huyền, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Lã Quý Hiển.

Ban kiểm soát của FLC cũng giảm thành viên khi ông Nguyễn Chí Cương và bà Phan Thị Bích Phượng xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Ngày cuối cùng để chốt quyền cổ đông tham dự phiên họp bất thường trên là 9/5. Tuy nhiên, FLC chưa chốt ngày và địa điểm tổ chức và cho biết sẽ thông báo cụ thể tới cổ đông sau. Hiện FLC cũng chưa công bố danh sách các ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT và ban kiểm soát.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến