Vì sao giá thuê văn phòng tại TP.HCM đắt hơn Hà Nội?
Số liệu từ Colliers International Việt Nam cho thấy, trong năm 2020, giá thuê văn phòng tại TP.HCM đắt hơn 40% so với Hà Nội.
Cụ thể, tại TP.HCM, giá thuê trung bình của văn phòng hạng A trong năm 2020 dao động trong khoảng 11 triệu đồng/m2/tháng. Văn phòng hạng B có giá khoảng 7,1 triệu - 7,35 triệu đồng/m2/tháng.
Trong khi đó, tại Hà Nội, giá thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội trong năm 2020 có giá khoảng khoảng 7,13 - 7,36 triệu đồng/m2/tháng; giá thuê văn phòng hạng B là 5,3 triệu đồng/m2/tháng.
Đơn vị này cũng dự báo, năm 2021, giá thuê văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM tăng nhẹ, khoảng 25 - 50 nghìn đồng/m2/tháng.
Trong năm 2020, giá thuê văn phòng tại TP.HCM đắt hơn 40% so với Hà Nội. Ảnh: Quân Đỗ
Chuyên gia của Colliers International cho biết, sở dĩ mức giá thuê văn phòng tại TP.HCM đắt hơn nhiều so với Hà Nội, là do các tòa nhà văn phòng tại Thủ đô tương đối cũ và ít tiện nghi hơn.
"Dù vậy, trong thời gian tới, với sự ra mắt hàng loạt của các tòa nhà văn phòng mới, hiện đại, các chủ đầu tư kỳ vọng rằng giá thuê ở Hà Nội sẽ dần bắt kịp với TPHCM. Đồng thời, nhu cầu thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng", đại diện Colliers International cho biết.
Nhu cầu thuê văn phòng hạng A giảm nhưng tỷ lệ hấp thụ vẫn ổn định
Cũng theo báo cáo của đơn vị này, do những tác động từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ở tại Hà Nội và cả TP.HCM có xu hướng giảm diện tích thuê, hoặc di chuyển trụ sở sang các tòa nhà văn phòng khác có giá rẻ hơn. Mục đích của sự dịch chuyển này nhằm tiết giảm chi phí, tái cấu trúc lại doanh nghiệp sau Covid-19.
Đại diện Colliers International đánh giá, có 3 xu hướng chuyển dịch. Đó là chuyển từ tòa nhà văn phòng hạng A sang hạng B. Xu hướng thứ 2, chuyển từ tòa nhà văn phòng hạng B có giá thuê cao sang tòa có giá thuê thấp hơn. Cuối cùng là chuyển từ tòa văn phòng hạng B ở trung tâm sang tòa ở khu vực ngoài trung tâm, có giá thấp hơn.
"Đó là lý do tại sao tỉ lệ lấp đầy của tòa văn phòng hạng A giảm mạnh trong khi tòa văn phòng hạng B có xu hướng tăng", đại diện của Colliers International cho biết.
Có cùng nhận định trên, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Savills Việt Nam chia sẻ: "Mặc dù đang có làn sóng chuyển dịch trụ sở sang các phân khúc văn phòng thấp hơn, song nhu cầu mới vẫn có. Một số khách thuê vẫn có nhu cầu mở rộng, điều này khiến cho phân khúc hạng A và B duy trì ổn định. Mặc dù có sự giảm về công suất nhưng là không đáng kể".
Bà Trang chia sẻ thêm: Covid-19 đã và đang tác động tới toàn bộ nền kinh tế, trong đó các ngành bất động sản, tài chính, truyền thông và công nghệ thông tin là nặng nhất.
Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận được một lượng lớn nhu cầu về diện tích cho thuê từ một số ngành trong năm 2020 cao hơn so với 2019. Đối với các ngành Dịch vụ & Khách sạn hay Du lịch, việc giảm diện tích là điều khó tránh khỏi.
"Tuy nhiên, đó cũng là một cơ hội để các khách thuê họ mong muốn tìm những diện tích hạng A, hạng B thì bây giờ là một thời điểm rất tốt để họ đạt được mong muốn đó với mức giá tốt hơn trước trong năm 2020", bà Trang nói.
Tác giả: Việt Vũ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy