Sau khi chạm đáy vào đầu năm nay, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng trở lại, cao nhất là 6%/năm khi khách hàng gửi kỳ hạn dài. Thống kê 6 tháng đầu năm, tổng tiền gửi tại 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đạt gần 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm ngoái.
So với tăng trưởng tín dụng thì tốc độ huy động vốn chậm hơn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tiền gửi trong ngân hàng hiện nay khoảng trên 15 triệu tỷ đồng. Trước đó, tháng 1/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm. Tình trạng này dần được cải thiện theo tốc độ tăng của lãi suất huy động tiết kiệm. Nếu như tháng 2/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng 1,6%, thì tháng 5/2024 đã tăng lên mức 2,8%. Tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 6/2024 ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
Tính đến ngày 30/6, chỉ có 4 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm so với đầu năm, gồm Vietcombank, TPBank, VietABank và ABBank. Ở chiều ngược lại, cũng có 4 ngân hàng tăng trưởng tiền gửi hai con số là LPBank (tăng 21,4%, tương đương 50.700 tỷ đồng), MSB (tăng 14,7%, tương đương 19.400 tỷ đồng), OCB (tăng 12,4%, tương đương 15.600 tỷ đồng) và NCB (tăng 11,1%, tương đương 8.600 tỷ đồng).
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến lãi suất tăng là do lạm phát, tỷ giá, giá vàng, song mức tăng lãi suất huy động cũng chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ. Việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng, vì thế lãi suất cho vay được nhận định vẫn tiếp tục ở mức thấp, kể cả trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng nhẹ thời gian tới.
Một số ngân hàng cho biết, điều chỉnh lãi suất huy động nhích lên nhằm chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm. Một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất gửi tiết kiệm đi lên là do tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ huy động vốn.
Báo cáo của NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ mức 3,4% vào cuối tháng 5, lên 6% vào cuối tháng 6, trước khi giảm trở lại còn 5,3% tại thời điểm ngày 17/7. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, diễn biến này phù hợp với quy luật về xu hướng tăng trưởng tín dụng, bởi thực tế cho thấy, mức thay đổi trong thời gian cuối quý II là cao kỷ lục, nên xu hướng giảm tốc trong tháng 7 nhiều khả năng sẽ mạnh hơn các năm trước.
Các chuyên gia của MBS phân tích, cầu tín dụng tiếp tục xu hướng tăng mạnh hơn từ giữa năm 2024, khi sản xuất và đầu tư tăng tốc trong các tháng cuối năm nay. Vì thế, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra vẫn duy trì mặt bằng hiện tại, trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, kích cầu tín dụng. Trước đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thêm 1-2% theo định hướng của Chính phủ, triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, áp lực tăng trưởng tín dụng trong quý II với con số thực hiện cao, kéo theo nhu cầu vốn tăng.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, từ quý II/2024, tình hình kinh tế có những bước cải thiện rõ rệt, do vậy, mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới. Mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn mức lãi suất trong những năm trước dịch bệnh, trong đó lãi suất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng thấp hơn mức trần quy định.
UOB đưa ra dự báo rằng, mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm 2024 có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm khoảng 0,25 - 0,75%, tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn 1-12 tháng ở mức 3 - 6% vào cuối năm 2024. Theo ông Quang, đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4%; tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024.
Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, tín dụng gần đây khởi sắc trở lại nên ngân hàng cần nguồn tiền. Thêm vào đó, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất thấp, các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng đã hút một lượng lớn tiền nhàn rỗi trên thị trường. Ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng gửi tiết kiệm. Một lý do khác là nền kinh tế hiện khởi sắc nên các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm.
Tác giả: Vân Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy