Dòng sự kiện:
Vì sao Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ nặng?
24/01/2019 07:10:36
Phiên giao dịch sáng 21/12, trên các chat room của nhà đầu tư, cổ phiếu BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn trở thành chủ đề nóng khi thông tin lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2018 được công bố.

Với đặc thù sản xuất, BSR luôn phải duy trì một lượng dầu thô lớn nên khi giá dầu thô và sản phẩm giảm, giá trị hàng tồn kho cao hơn giá thị trường.Bình Sơn

Theo đó, giá cổ phiếu BSR có thời điểm rơi xuống 11.800 đồng/cổ phần - mức thấp nhất kể từ khi chính thức giao dịch trên sàn đến nay. So với giá trúng bình quân khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 1 năm trước xấp xỉ 23.000 đồng/cổ phần, mức giảm đã lên tới hơn 50%. Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, vì sao gần đây BSR liên tục đi xuống? Có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do rõ ràng nhất là BSR lỗ nặng.

Vậy vì sao BSR lỗ lớn? Theo chia sẻ từ doanh nghiệp này, trong quý IV/2018, thị trường dầu thô thế giới biến động bất thường; giá dầu thô (Dated Brent) giảm từ 86,16 USD/thùng tại ngày 4/10/2018 xuống còn 50,21 USD/thùng tại ngày 28/12/2018 (tức giảm 42%) và làm cho giá sản phẩm giảm theo, như giá xăng Mogas 92 từ 91,81 USD/thùng còn 53,78 USD/thùng (giảm 58,6%).

Không chỉ BSR, việc giá dầu thô sụt giảm mạnh gây bất lợi cho tất cả các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới, kể cả những đơn vị kinh doanh, phân phối xăng dầu.

Với đặc thù về sản xuất, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn phải duy trì một lượng dầu thô lớn và cần thời gian chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán, nên khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá trị hàng tồn kho trở nên cao hơn giá thị trường.

 

Bên cạnh đó, từ tháng 10/2018, trên thị trường dầu mỏ, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính (crack margin) suy giảm nghiêm trọng, có những thời điểm giá xăng Mogas 92 thấp hơn cả giá dầu Dated Brent, khiến hiệu quả sản xuất - kinh doanh các tháng cuối năm của BSR giảm sút.

Cụ thể, lợi nhuận gộp quý IV/2018 lỗ 812 tỷ đồng (trong đó, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 310 tỷ đồng), dẫn đến lợi nhuận sau thuế trong kỳ lỗ 1.016 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng. Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp làm cho lợi nhuận sau thuế lỗ 1.026 tỷ đồng trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Mặc dù tính cả năm 2018, BSR vẫn đạt tổng doanh thu 113.493 tỷ đồng (tăng 45,3% so kế hoạch năm), nộp ngân sách nhà nước 11.645 tỷ đồng (tăng 39,7% so kế hoạch năm), lợi nhuận đạt 3.551 tỷ đồng (tăng 2% so với kế hoạch năm), song nhà đầu vẫn lo ngại, liệu diễn biến trong quý IV có còn tiếp tục trong năm 2019?

Để hạn chế những tác động khó lường của giá dầu, BSR cho biết đã và sẽ chủ động áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để kéo lại mặt bằng giá các sản phẩm, thúc đẩy bán hàng, giảm hàng tồn kho dầu thô và sản phẩm đến mức tối ưu, tăng cường kiểm soát định mức tiêu hao.

Theo BSR, do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vận hành an toàn, ổn định, nên mức tiêu hao giảm còn 1,081 tấn dầu thô/tấn sản phẩm (kế hoạch là 1,090 tấn dầu thô/tấn sản phẩm).

Bên cạnh đó, công tác tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí cũng được tăng cường. Năm 2018, giá trị tiết kiệm đạt 856,55 tỷ đồng (vượt 77,47% so với kế hoạch tiết kiệm cả năm), trong đó nổi bật là tối ưu hóa năng lượng.

Cũng trong năm 2018, BSR đã lên kế hoạch, phê duyệt 16 giải pháp và trong quá trình thực hiện đã bổ sung thêm 7 giải pháp tối ưu (tổng cộng 23 giải pháp), đến nay đã thực hiện thành công 6 giải pháp, giúp BSR tiết kiệm được khoảng 1,9 triệu USD/năm, 10 giải pháp đang triển khai theo đúng kế hoạch đề ra và sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2019.

Vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là tại sao BSR không áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tăng/giảm giá xăng dầu khi doanh nghiệp có độ trễ về sản phẩm đầu vào và đầu ra?

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, công cụ hedging (phòng ngừa rủi ro) là "con dao hai lưỡi", phí không hề thấp, nhất là với các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Theo các quy định kế toán hiện hành, phí hedging không được tính vào chi phí hoạt động doanh nghiệp, nên rất khó để các doanh nghiệp như BSR sử dụng công cụ này.

Nếu dự đoán sai đường đi của giá dầu (trường hợp này rất dễ xảy ra), doanh nghiệp sẽ rơi vào tình cảnh lỗ nặng. Khi đó, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thua lỗ này? Trước đây, Jetstar Pacific và các lãnh đạo tiền nhiệm từng lao đao khi bị kết luận thực hiện nghiệp vụ mua xăng dự trữ (hedging) gây thua lỗ hàng chục triệu USD.

Nếu ai dự đoán đúng đường đi của giá dầu, họ chắc chắn là những thiên tài trên thế giới và đến nay thế giới vẫn tìm kiếm năng lực đặc biệt này. Còn những doanh nghiệp như BSR, lợi nhuận chắc chắn vẫn sẽ biến động theo sự "nhảy múa" của giá dầu. 

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến