Dòng sự kiện:
Vì sao một ngân hàng lớn phải kêu tới tận Ủy ban Tư pháp Quốc hội?
27/05/2024 17:25:06
Một TCTD nằm trong nhóm 14 ngân hàng trọng yếu của hệ thống vừa phải kêu cứu lên tận Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Ngân hàng này (chưa muốn nêu tên) cho biết vừa nhận được Quyết định giám đốc thẩm số 10/2022/DS-GĐT ngày 27/4/2022 của Tòa án Nhân dân tối cao, theo đơn gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao...

Tại đơn kêu cứu, ngân hàng cho biết, quyết định mà ngân hàng nhận được, là từ cấp giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân tối cao tuyên hủy Bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17/7/2020 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM.

Ngân hàng cho rằng, việc TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm (lần 2) để giải quyết các quan hệ tranh chấp đối với tài sản trên trước thời điểm ngân hàng nhận thế chấp, có thể gây thiệt hay nghiêm trọng cho ngân hàng và có khả năng gây mất tài sản bảo đảm của khoản vay dẫn đến việc duy trì khoản vay, thu hồi nợ khó khăn hoặc không thể thu hồi được. Ảnh: Căn nhà số 317 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP.HCM là tài sản đảm bảo thế chấp khoản vay tại Ngân hàng có đơn

Đây là vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Thành Công với bị đơn bà Trịnh Tú Toàn cùng các bên liên quan đối với tài sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nhà đất tại số 317 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP.HCM.

Sau Bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17/7/2020 có hiệu lực, người mua cuối cùng tài sản trên là ông Trương Công Minh. 

Ông Minh đã vay tiền Ngân hàng (TCTD gửi đơn) 140 tỷ đồng để bổ sung thanh toán theo hợp đồng mua bán nhà đất 317 Trần Bình Trọng. Việc mua bán thực hiện theo Hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 11/9/2020, được công chứng tại Văn phòng công chứng Văn Thị Mỹ Đức. Sau khi thanh toán và đóng đủ lệ phí trước bạ, cơ quan chức năng đã cập nhật tên ông Minh trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vào ngày 15/9/2020. 

Chi tiết tại Đơn yêu cầu độc lập gửi Tòa án Nhân dân TP HCM, ngân hàng này cho biết thêm, việc ngân hàng cấp tín dụng cho ông Trương Công Minh trên cơ sở nhu cầu thực tế sử dụng vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và nhận thế chấp tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của ông Trương Công Minh thực hiện ký kết hợp đồng thế chấp, thế chấp, công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật.

Tại thời điểm nhận thế chấp tranh chấp giữa ông Nguyễn Thành Công với bà Trịnh Tú Toàn, Ngân hàng hoàn toàn không biết, không có cơ sở để biết, không có bất kỳ văn bản nào ngăn chặn hay cảnh báo nào về việc hạn chế giao dịch đối với tài sản này của bất kỳ Cơ quan quản lý nhà nước. Việc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất Quận 5 là Cơ quan quản lý nhà nước cấp cơ sở về đất đai cũng đã chấp nhận ghi vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày 23/9/2020 đã thể hiện rất rõ tính khách quan này.

Vì vậy, Ngân hàng đề nghị tòa khi giải quyết tranh chấp giữa nguyên đơn ông Nguyễn Thành Công với bị đơn bà Trịnh Tú Toàn cùng các bên liên quan đến Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với nhà đất tại số 317 Trần Bình Trọng, phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh xác định Ngân hàng là bên thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền và lợi ích hợp theo Quy định của pháp luật.. 

Theo Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoa Sen (TP.HCM), theo quy đinh pháp luật thì Hội đồng xét xử phúc thẩm không thụ lý Đơn yêu cầu độc lập bởi chỉ có quyền như: Giữ nguyên bản án sơ thẩm; sửa bản án sơ thẩm; hủy toàn bộ hoặc một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại; hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án (trong trường hợp đương sự rút đơn khởi kiện…); đình chỉ xét xử phúc thẩm (khi đương sự rút đơn kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị…) và tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Vì vậy, nếu các giao dịch của bên liên quan sau khi bản án phúc thẩm, sẽ thuộc trường hợp bên thứ 3 ngay tình. Mọi phán xử sau đó, đều phải vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 ngay tình.

Về phía ông Trương Công Minh, Ngân hàng cũng cho biết, kể từ thời điểm giải ngân giải ngân ngày 24/9/2020 đến thời điểm hiện tại, ông Trương Công Minh vẫn thực hiện trả nợ đầy đủ và các nghĩa vụ theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp và khế ước nhận nợ đã ký kết.

Khi biết vụ án chưa kết thúc vì bản án phúc thẩm bị TAND Tối cao ra quyết định hủy và lo lắng đến lợi ích hợp pháp không được đảm bảo, ông Trương Công Minh cũng đã gửi đơn cầu cứu nhiều nơi. Ông Minh đã được tòa mời tham dự phiên xử phúc thẩm trong vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất”. Đồng thời, ông Minh cũng đã nộp đơn yêu cầu độc lập đến TAND Cấp cao tại TP.HCM (xét xử phúc thẩm) nhưng chưa được tòa án thụ lý. Trong đơn của mình, ông Minh yêu cầu tòa công nhận ông là chủ sở hữu hợp pháp đối với căn nhà số 317 Trần Bình Trọng bởi ông là người mua bán hợp pháp, ngay tình.

Được biết, theo kế hoạch, ngày 28/5 tới đây, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa phúc thẩm (lần 2) vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thành Công và bị đơn là bà Trịnh Tú Toàn. Vụ án đã được TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ban hành Bản án dân sự phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17/7/2020. Tài sản tranh chấp trong vụ án là nhà đất tại số 317 Trần Bình Trọng, Phường 4, Quận 5 (TP. Hồ Chí Minh). Chủ sở hữu ban đầu là ông Công. Sau đó, căn nhà lần lượt được thế chấp, chuyển nhượng dưới nhiều hình thức cho nhiều cá nhân, trong đó có bà Trịnh Tú Toàn. Người nhận chuyển nhượng sau cùng là ông Trương Công Minh (SN 1997, ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Vụ án này có 10 người, đơn vị là người quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có ông Trương Công Minh và căn nhà số 317 Trần Bình Trọng là tài sản bảo đảm cho khoản vay 140 tỷ mà ông Minh vay của ngân hàng khi Bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17/7/2020 có hiệu lực khoảng 2 tháng

PV

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến