Dòng sự kiện:
Vì sao ngân hàng Thụy Sĩ “giữ chân” được các nhà tài phiệt?
21/10/2014 15:04:06
ANTT.VN - Với các điều khoản bảo mật thông tin khách hàng, hệ thống ngân nhà bằng ở Thụy Sỹ trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà tài phiệt “gửi gắm” tài sản. Tuy nhiên, bí quyết “độc quyền” đó dần bị phá vỡ khi nhiều nước để mắt và chính thức “sờ gáy”…
 
“Bảo bối” độc quyền một thời

Một trong những nguyên tắc bất biến và được khách hàng tin tưởng là chính sách mà các ngân hàng tại Thụy Sĩ áp dụng là giữ kín bí mật. Khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng Thụy Sĩ sẽ được lưu riêng một loại mã số gửi tiền tại ngân hàng Thụy Sĩ, mã số của khách hàng ngoại quốc sẽ khác với mã số của những cư dân tại Thụy Sĩ.

Với sự bảo vệ chặt chẽ của pháp luật Thụy Sĩ, rất ít nhân viên ngân hàng có thể biết và nắm được thông tin khách hàng; chỉ có khoảng 3 nhân viên cấp cao và có thẩm quyền biết được danh tính khách hàng. Và danh tính người gửi sẽ không được hiện rõ, hay xuất hiện trên màn ảnh máy tính ngân hàng, danh sách được bảo vệ vô cùng cẩn thận tại những tủ sắt khóa rất kỹ và được bảo mật chặt chẽ.

Chính sách thuế dễ chịu cũng là điểm “dừng chân” của các khoản tiền từ nhiều nhà tài phiệt nước ngoài chọn các ngân hàng tại đất nước này. Thuế thu nhập của Thụy Sỹ thấp hơn nhiều nước châu Âu khác. Tỷ lệ tiết kiệm cao của dân cư và chính sách thuế hấp dẫn đã giúp Thụy Sỹ thu hút dòng vốn nước ngoài. Nhờ vậy các nhà băng Thụy Sỹ có thể tài trợ cho khách hàng với lãi suất thấp.

Cơn bão ập đến

Áp lực từ bỏ “bảo bối” đã đè nặng lên hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khiến liên minh Châu Âu và Mỹ  đồng loạt điều tra các hành vi gian lận thuế của những công dân cất giấu tiền tại nước ngoài.

Ngân hàng UBS từ lâu đã lọt vào "tầm ngắm" của nhiều nước vì bị nghi ngờ tiếp tay các nhà tài phiệt giấu tiền để trốn thuế do ngân hàng này nổi tiếng về tính "bảo mật" và "riêng tư”.

Năm 2009, UBS  bị nhà chức trách Mỹ “sờ gáy”. Để tránh bị truy tố hình sự, UBS đã đồng ý nộp phạt 780 triệu USD tiền phạt và giao nộp dữ liệu của 4.700 tài khoản khách hàng cho Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS).
Tháng 6/2013, Pháp cũng đã mở cuộc điều tra đối với 3 giám đốc điều hành chi nhánh của ngân hàng UBS  vì nghi ngờ có dính líu đến các thương vụ phi pháp, cất giấu hàng trăm triệu euro cho giới nhà giàu tại Pháp để trốn thuế hàng chục năm qua.

Gần đây nhất,  Ngân hàng đầu tư hàng đầu Thụy Sĩ Credit Suisse đã đồng ý nộp phạt 2,6 tỷ USD để dàn xếp những cáo buộc hình sự liên quan đến hành vi che giấu cho khách hàng trốn thuế.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ nhiều năm qua cũng đã hối thúc Thụy Sĩ hủy bỏ chế độ bảo mật ngân hàng hiện nay khi hai đối tác này quyết tâm ngăn chặn các hành vi trốn thuế bằng cách tuồn tiền ra nước ngoài.  

Trước các áp lực buộc phải giảm các quy tắc bảo mật ngân hàng, tháng 10/2014 đánh dấu cho hồi kết của luật bí mật tài chính tại Thụy Sĩ khi chính phủ Thụy Sĩ đã công bố kế hoạch trao đổi thông tin ngân hàng và đang chờ sự thông qua chính thức trước khi triển khai kế hoạch. Hiện có khoảng 40 nước tuyên bố sẽ chấp nhận những tiêu chuẩn quốc tế mới để bắt đầu thu thập dữ liệu khách hàng từ năm 2016 và trao đổi dữ liệu từ năm 2017. Thêm vào đó, Thụy Sĩ  cũng có vẻ như đang dần không còn là một “thiên đường thuế” khi một số bang của đất nước này bỏ ưu đãi về thuế cho những người nước ngoài.

Luật bí mật tài chính bị đổ vỡ ở Thụy Sĩ  dẫn tới một loạt các triệu phú và tỷ phú muốn tránh bị đánh thuế thu nhập cao rút khỏi Thụy Sĩ. Thêm vào đó là nguy cơ các ngân hàng Thụy Sỹ bị mất đi nguồn khách hàng giàu có từ Mỹ và tụt hậu trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ châu Âu. Jackie Bugnion, một chuyên gia về thuế làm việc tại tổ chức American Citizens Abroad, cảnh báo rằng các tài khoản đứng tên công dân Mỹ sẽ lên đường tới châu Âu thay vì trú ngụ tại các các ngân hàng từng được coi là “thiên đường trốn thuế” của thế giới này.

Hướng đi sau cơn bão

Khi những bảo bối độc quyền không còn, ngành ngân hàng Thụy Sĩ  buộc phải nỗ lực cải cách để tạo hiệu quả hoạt động trong khi vẫn tuân thủ đúng quy định của luật pháp.Thay vì thu hút nguồn khách hàng giàu có như trước, sản xuất và mở rộng  các dịch vụ tư vấn đang là lựa chọn đúng đắn của Thụy Sĩ . Các thị trường được các ngân hàng Thụy Sĩ nhắm đến chính là châu Á và Mỹ - nơi đã và đang sản sinh ra nhiều triệu phú và tỉ phú lớn nhất thế giới.

Số lượng lớn tiền gửi của các công dân Mỹ ở Thụy Sĩ chính là động lực thúc đẩy các tổ chức tín dụng trở lại thị trường Mỹ, cho dù một số ngân hàng vẫn còn chưa giải quyết được tất cả các tranh chấp pháp lý với chính quyền Mỹ.

Bên cạnh đó là cuộc đổ bộ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương của các ngân hàng Thụy Sĩ. Năm 2013, UBS giữ vị trí là ngân hàng quản lý tài sản lớn nhất châu Á với số tài sản quản lý 245 tỷ USD, tăng 14% so năm 2012. Ông lớn Credit Suisse xếp thứ hai và trong số các ngân hàng tư nhân khác của Thụy Sĩ, ngân hàng Julius Baer xếp thứ sáu và còn Pictet đứng thứ 14.

Về lâu dài ngành tài chính- ngân hàng Thụy Sĩ vẫn được ưu tiên phát triển với ý nghĩa là một ngành xương sống của Thụy Sĩ. Trong hơn 2 thập kỷ, khu vực tài chính ngân hàng liên tục đóng góp một phần đáng kể vào sản lượng kinh tế Thụy Sĩ, tạo công ăn việc làm cho khoảng 5% số người lao động tại đây.

 Trong công cuộc cải cách tài chính đầy khó khăn này, các ngân hàng Thụy Sĩ sẽ phải chấp nhận sự thay đổi lớn, sẵn sàng vượt khó để tiếp tục đi lên nhằm duy trì danh tiếng toàn cầu nhờ hiệu quả kinh doanh được xác định bởi các yếu tố như nguồn vốn, sự ổn định và nhân tố con người.

Tú Anh ( tổng hợp)

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến