Dòng sự kiện:
Vì sao sân Mỹ Đình nợ hơn 800 tỷ đồng tiền thuế?
09/01/2023 08:05:07
Những sai phạm trong thời gian ông Cấn Văn Nghĩa làm giám đốc KLHTTQG Mỹ Đình đã đẩy đơn vị này chìm vào “biển nợ”

Tình trạng xuống cấp của sân Mỹ Đình

Tại AFF Cup 2022 vừa qua, sân Mỹ Đình luôn là tâm điểm của dư luận mỗi khi ĐT Việt Nam được chơi trên sân nhà. Mặt cỏ vàng úa, mặt sân gồ ghề, khán đài đầy bụi bẩn, nhà vệ sinh bốc mùi hôi thối,… Những điều này khiến cho nhiều người lên tiếng chỉ trích Ban quản lý sân thiếu trách nhiệm trong việc bảo dưỡng, vệ sinh sân Mỹ Đình.

Trước cảnh xấu hổ này, sân Mỹ Đình đã được dọn vệ sinh trước trận Việt Nam thắng Myanmar 3-0. Nhưng sự cố nhỏ vẫn xảy ra ngay trước trận đấu giữa Việt Nam và Myanmar, đó là một mắc lưới bên khung thành của thủ môn Đặng Văn Lâm bị gặp vấn đề. Trợ lý trọng tài đã yêu cầu xử lý để tránh trường hợp bóng vào lưới rồi chui ra ngoài.

Điều gây tranh cãi là mỗi trận đấu trên sân nhà, VFF phải chi ra đến 800 triệu đồng tiền thuê sân. Nhưng theo tiết lộ từ Ban quản lý, mỗi trận đấu tổ chức trên sân Mỹ Đình, đơn vị này lỗ đến 200 triệu đống. Trong đó bao gồm các chi phí: thuế đất, tiền điện, thuế GTGT, tiền trả nợ xấu, khấu hao tài sản, phân bón cho cỏ và tiền làm thêm ngoài giờ cho các cán bộ nhân viên. Những con số này được Ban quản lý sân thống kê từ 80-200 triệu đồng cho mỗi hạng mục.

Sân vận động Mỹ Đình là bộ mặt của Việt Nam khi thi đấu ở những đấu trường khu vực. Không quá khi nói rằng, Mỹ Đình là sân thi đấu có chất lượng mặt cỏ tệ nhất trong số các sân tổ chức AFF Cup 2022. Ở lượt trận cuối vòng bảng khi ĐT Việt Nam gặp Myanmar. Trùng khung giờ đó, Malaysia tiếp đón Singapore trên sân Bukit Jalil. Lúc này, khi xuất hiện chung một khung hình, mặt cỏ giữa hai sân hoàn toàn khác biệt nhau.

“Mỹ Đình chắc chắn là sân xấu nhất trong 4 sân ở vòng bán kết AFF Cup 2022; sân Mỹ Đình đặt cạnh các sân vận động khác khiến chúng tôi như được quay trở lại thời kỳ xem bóng đá bằng tivi đen trắng…”, đó là một trong số rất nhiều bình luận của người hâm mộ Việt Nam về sân Mỹ Đình.

Vì sao sân Mỹ Đình nợ hơn 800 tỷ đồng?

Nhiều người đặt ra câu hỏi, vì sao SVĐ Mỹ Đình dù đã được “rót” kinh phí để tu sửa, bảo dưỡng trước SEA Games 31, thế nhưng đến hiện tại chất lượng mặt sân, tình trạng cơ sở vật chất lại xuống cấp như vậy?

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho SVĐ Mỹ Đình bị “bỏ phế” trong thời gian qua đến từ khoản nợ hơn 800 tỷ đồng tiền thuế đất. Những sai phạm tại KLHTTQG Mỹ Đình và các khoản nợ này diễn ra ở giai đoạn 2009 - 2018, trong thời gian mà ông Cấn Văn Nghĩa làm giám đốc. Ông Nghĩa đã nghỉ hưu từ năm 2018 và giám đốc hiện tại là ông Nguyễn Trọng Hổ.

Theo cơ quan chức năng, trong thời kỳ giữ chức giám đốc khu liên hợp, ông Cấn Văn Nghĩa (về hưu năm 2018) đã không làm đúng nhiều quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng tài sản công. Khu liên hợp đã vi phạm nguyên tắc về quản lý sử dụng đất khi cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, văn phòng dưới hình thức hợp đồng cho thuê mặt bằng có thời gian 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Nhưng bản chất là cho thuê mặt bằng dài hạn.

Mặt khác, các hợp đồng cho thuê đất đều quy định doanh nghiệp không được cho thuê lại nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều cho thuê lại với giá cao gấp 3 lần giá thuê của khu liên hợp. Năm 2018, khu liên hợp ký hợp đồng với 17 doanh nghiệp nhưng có tới 144 doanh nghiệp sử dụng mặt bằng đất.

Theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, việc khu liên hợp sử dụng đất để cho thuê mặt bằng thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất. Tuy nhiên, khu liên hợp chỉ thu tiền cho thuê mặt bằng mà không thu tiền thuê đất của các doanh nghiệp.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tính đến tháng 7/2022, tiền nợ thuế đất của KLHTTQG Mỹ Đình đã lên đến 855 tỷ đồng. Khoản tiền này bao gồm tiền thuế và các khoản thu khác tính đến ngày 31/7/2022 là gần 480 tỷ đồng; Số tiền chậm nộp là gần 376 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế nợ phát sinh trong tháng 7/2022 là gần 11,7 tỷ đồng. Số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là hơn 839 tỷ đồng.

Suốt 2 năm qua, vì khoản nợ thuế khổng lồ từ nhiệm kỳ trước đã khiến cho KLHTTQG Mỹ Đình gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động bị đình trệ.

Cựu giám đốc KLHTTQG Mỹ Đình - ông Cấn Văn Nghĩa

Là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính 100% nhưng do việc cho thuê dịch vụ tại đây bị hạn chế, nợ nần ngập đầu nên KLHTTQG Mỹ Đình thậm chí không có tiền trả lương cho nhân viên. Nhiều nhân viên đã nghỉ việc, có thời điểm nhân viên chỉ nhận được 50% lương, có người chưa tới 2 triệu đồng/tháng.

Riêng về phần cựu Giám đốc KLHTTQG Mỹ Đình – ông Cấn Văn Nghĩa, Trong cuộc họp nội bộ của lãnh đạo KLHTTQG Mỹ Đình vào tháng 9/2021, ông Cấn Văn Nghĩa đã tự nhận hình thức kỷ luật là khiển trách nhưng không được lãnh đạo ngành thể thao chấp nhận. Ông cũng đã thừa nhận khu liên hợp thời kỳ do mình làm giám đốc đã có những việc làm sai nguyên tắc.

Nhưng đồng thời ông đưa ra một số lý giải tại sao lại thực hiện những việc làm chưa đúng với quy định của pháp luật. Ông Cấn Văn Nghĩa là viên chức đã nghỉ hưu nhưng do có vi phạm nên vẫn nằm trong diện bị kỷ luật. Mặc dù vậy, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc kỷ luật ông Nghĩa như báo cáo của Hội đồng kỷ luật Tổng cục TDTT.

Số nợ đã lên đến 1000 tỷ đồng

Theo báo Thanh Niên, tính đến thời điểm hiện tại, khoản nợ xấu đã phát sinh lên đến con số “khổng lồ” hơn 1.000 tỷ đồng. Theo một quan chức ngành thể thao, trong 6 tháng tới, nếu không thể trả nợ theo đúng yêu cầu của cơ quan thuế, số nợ càng tăng vọt, sẽ vào khoảng gần 1.500 tỷ đồng.

Một lãnh đạo Tổng cục TDTT chia sẻ: “Khu liên hợp đơn vị tự chủ 100%. Trước đây Chính phủ đã cho thử nghiệm tự chủ, cho phép cho khu liên hợp được thực hiện liên doanh liên kết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo khu liên hợp (thời kỳ 2009 – 2018) đã để xảy ra nhiều sự việc.

Các hợp đồng liên doanh liên kết hợp đồng phù hợp, đóng thuế đầy đủ nhưng cũng có 1 số các công ty hợp đồng không đúng quy định pháp luật. Vấn đề này được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tất cả các hoạt động của khu liên hợp đều phải cưỡng chế thuế. Các hợp đồng đều phải trích lại để đóng thuế. Hợp đồng giữa khu liên hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc thuê sân Mỹ Đình phục vụ AFF Cup 2022 với số tiền 800 triệu đồng/trận, khu liên hợp cũng phải trích để đóng thuế”.

Ngành thể thao đang xin các cơ quan có thẩm quyền “khoanh vùng” khoản nợ thuế của khu liên hợp, tránh phát sinh nhưng không được chấp thuận. KLHTTQG Mỹ Đình đang lâm vào cảnh bất lực chi trả hoàn toàn mà không có cách giải quyết.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến