Nội dung trên được quyết định trong phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra chiều 11/1.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Đó là đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu qua Thanh Hoá và Nghệ An.
2 dự án không có nhà đầu tư
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần (6 dự án đầu tư công và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP), với mức vốn Nhà nước được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án là 78.461 tỷ đồng.
Đến ngày 5/10/2020, bên mời thầu đã thực hiện đóng/mở thầu toàn bộ 5 gói thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết 2 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Ảnh: Ninh Hải.
Kết quả, 3 dự án thành phần (gồm các đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. 2 dự án thành phần (đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Vì vậy, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho chuyển đổi phương thức đầu tư với 2 dự án không chọn được nhà thầu.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đồng tình với đề nghị của Chính phủ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị rà soát, điều chỉnh lại phương án tài chính để tăng tính khả thi, vì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đấu thầu không thành công là do phương án tài chính của 2 dự án này chưa thực sự hấp dẫn. Sau đó, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP.
Không làm nhanh sẽ ảnh hưởng tiến độ chung
Ông Thanh khẳng định cơ quan thẩm tra đồng tình với việc chuyển đổi phương thức đầu tư, vì hai dự án thành phần này có nhu cầu vận tải rất lớn (xếp thứ hai và thứ ba trong 5 dự án đầu tư theo phương thức PPP), cho thấy sự cần thiết, cấp bách.
Hơn nữa, đến nay đã có 9/11 dự án thành phần dự kiến hoàn thành vào năm 2022 (3 dự án đầu tư theo phương thức PPP lựa chọn được nhà đầu tư, 6 dự án đầu tư công đang được các nhà thầu triển khai thi công), riêng cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành năm 2023.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Hải Ninh.
“Do đó, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của dự án”, ông Thanh phân tích.
Sau khi biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành thông qua nghị quyết cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần trên.
Nguyên tắc được đặt ra là không vượt quá nguồn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí vốn cho dự án tại Nghị quyết số 52 và Nghị quyết số 117 của Quốc hội.
Chính phủ được giao tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước, đáp ứng tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023. Đồng thời, Chính phủ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn, hoàn trả ngân sách Trung ương.
Hồi cuối tháng 6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Quốc hội quyết định chuyển đổi 3 dự án thành phần Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông từ phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công.
Quốc hội cũng đồng ý bổ sung vốn không quá 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư 3 dự án này.
Hai dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam không tìm được nhà đầu tư và sẽ chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km, tổng mức đầu tư được cập nhật là 6.330 tỷ đồng (vốn BOT là 4.330 tỷ đồng, vốn Nhà nước là 2.000 tỉ đồng). Sau khi gia hạn thời gian đóng thầu, chỉ có một nhà đầu tư là Liên danh Licogi16 - FECON - 486 nộp hồ sơ dự thầu. Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, tổng mức đầu tư được cập nhật là 8.380 tỷ đồng (vốn BOT 5.830 tỷ đồng, vốn Nhà nước 2.550 tỉ đồng), không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu sau khi gia hạn thời gian đóng thầu. |
Tác giả: Hoài Thu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy