Vì sao Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố thêm tội tham ô tài sản?
19/03/2017 10:26:47
Sau phiên xét xử phúc thẩm vừa qua, Trịnh Xuân Thanh (SN 1966) - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam tiếp tục bị khởi tố vụ án về hành vi tham ô tài sản.

Tin liên quan

Tội phạm bị vạch trần từ vụ án khác

Chiều 15-3 vừa qua, sau nhiều ngày xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định bác kháng cáo của Lê Hòa Bình (SN 1954) - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1-5 (Công ty 1-5) cùng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời bác kháng cáo của bị cáo này cùng các bị cáo liên quan về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Thay vì giữ nguyên án phạt tù của Lê Hòa Bình cùng đồng phạm ở tội danh thứ hai, HĐXX phúc thẩm đã tuyên bố hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu, theo hướng chuyển tội danh từ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang tội “Tham ô tài sản”.

Quá trình giải quyết vụ án Lê Hòa Bình cùng đồng phạm ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” cho thấy, Công ty Cổ phần Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương (Công ty xuyên Thái Bình Dương) được thành lập vào năm 2007. Trong đó, Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) chiếm 50,5% cổ phần.

Trước đó, khi PVP Land ra đời thì Tổng Công ty Cổ phân Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cũng chiếm tỉ lệ góp vốn nhiều nhất với hơn 50%. Để quản lý phần vốn của mình, PVC lần lượt cử Đào Duy Phong (SN 1958) và Nguyễn Ngọc Sinh (SN 1972) sang PVP Land làm đại diện và giữ các chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này.

Đầu năm 2010, do khó khăn về tài chính trong việc triển khai Dự án Trung tâm thương mại Nam Đàn Plaza (tại quận Nam Từ Liêm) nên PVP Land có chủ trương thoái vốn tại Công ty xuyên Thái Bình Dương (chủ đầu tư Trung tâm thương mại Nam Đàn Plaza). Vì vậy mà tháng 1-2010, PVP Land có tờ trình đề nghị PVC đồng ý cho chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần tại Công ty xuyên Thái Bình Dương.

Từ chủ trương trên và thông qua môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (SN 1972, trú ở phường 10, quận 3, TP.HCM), Lê Hòa Bình đã nhanh chóng mua lại được toàn bộ cổ phần tại Công ty xuyên Thái Bình Dương, trong đó có 50,5% vốn góp của PVP Land.

Nhưng điều bất bình thường ở chỗ, quá trình thỏa thuận, Lê Hòa Bình và đại diện PVP Land thống nhất giá mua bán Trung tâm thương mại Nam Đàn Plaza là 52 triệu đồng/m2 (tương đương hơn 20.700 đồng/cổ phần), song khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng lại chỉ có 34 triệu đồng/m2, tương ứng với hơn 13.500 đồng/cổ phần. Với việc làm này, PVP Land đã bị thiệt hại hơn 87 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa PVC bị thiệt hại nhiều chục tỷ đồng.

Tại giai đoạn điều tra cũng như trong nhiều lần xét xử Lê Hòa Bình cùng đồng phạm, Đặng Sỹ Hùng (cựu Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch PVP Land) khai, đối tượng là người trực tiếp đàm phán và được ủy quyền ký hợp đồng bán cổ phần của PVP Land tại Công ty xuyên Thái Bình Dương cho đối tác.

Thực hiện việc mua bán cổ phần trong dự án Trung tâm thương mại Nam Đàn Plaza, anh ta được Nguyễn Ngọc Sinh chỉ đạo chỉ bán với giá 35 triệu đồng/m2, nhưng ngay sau đó lại được Đào Duy Phong yêu cầu rút xuống còn 34 triệu đồng/m2. Tương tự, cựu Chủ tịch Công ty 1-5 trình bày, mặc dù đàm phán mua bán Trung tâm thương mại Nam Đàn Plaza một giá nhưng khi ký kết hợp đồng mua bán cổ phần chính thức với PVP Land lại là giá thấp hơn so với giá trị thực tế cũng như giá cả đã thỏa thuận.

Số tiền chênh lệch, Lê Hòa Bình có nghĩa vụ chuyển cho một số người tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và một số nhân vật liên quan. Trong đó, Lê Hòa Bình trực tiếp chuyển cho Đào Duy Phong 10 tỷ đồng, chuyển cho Nguyễn Ngọc Sinh 20 tỷ đồng và trả công Huỳnh Nguyễn Quốc Duy 11 tỷ đồng.  

Về phần mình, Đào Duy Phong khai, sở dĩ bán cổ phần của PVP Land tại Công ty xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình thấp hơn giá thực tế là do Trịnh Xuân Thanh yêu cầu làm vậy. Đối với Nguyễn Ngọc Sinh, quá trình điều tra chỉ thừa nhận việc ủy quyền cho Đặng Sỹ Hùng ký hợp đồng bán cổ phần của PVP Land, song không thừa nhận hành vi nhận hàng chục tỷ đồng “lót tay” từ đối tác.

Hiện tại, đối tượng này đã bị khởi tố bị can ở một vụ án khác liên quan đến các sai phạm tại PVC. Cũng trong quá trình xét xử phúc thẩm Lê Hòa Bình cùng đồng phạm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố lời khai của Đào Duy Phong về việc xin ý kiến của Trịnh Xuân Thanh liên quan đến đề nghị bán Trung tâm thương mại Nam Đàn Plaza thấp hơn giá thực tế. Theo đó, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam bảo với Đào Duy Phong rằng “tùy ý”.

Với diễn biến vụ án Lê Hòa Bình cùng đồng phạm như nêu trên, thế nên trước khi đưa ra các quyết định chính thức, HĐXX phúc thẩm khẳng định, căn cứ vào lời khai của Lê Hòa Bình, Đào Duy Phong cùng một người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án có thể thấy, Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh cùng một số đối tượng có dấu hiệu phạm vào tội “Tham ô tài sản”, theo Điều 278, Bộ luật Hình sự.

Trên có sở đó, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy bản án sơ thẩm đối với Lê Hòa Bình, Đào Duy Phong ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, xét xử lại từ đầu, theo hướng tham ô tài sản. Kế đến, căn cứ vào Điều 104, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999, HĐXX phúc thẩm đã ra Quyết định Khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong và phục hồi điều tra đối với Nguyễn Ngọc Sinh về hành vi “Tham ô tài sản”.

Bỏ trốn trước khoản lỗ hàng tỉ đồng

Lật lại các hành vi của Trịnh Xuân Thanh có thể thấy, trước khi bị TAND Cấp cao tại Hà Nội khởi tố thêm vụ án về tội “Tham ô tài sản”, tội phạm mà nhân vật này thực hiện cũng đã được phát hiện từ trung tuần tháng 9-2016.

Khi đó, Cục CSĐT Tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165, Bộ luật Hình sự. Xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, CQĐT đã lập tức ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Trước đó, ngày 15-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC. Cùng với “đầu tàu” Trịnh Xuân Thanh, 4 lãnh đạo PVC gồm Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng đã bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi Trịnh Xuân Thanh cùng các thuộc cấp của mình được cho là phải chịu trách nhiệm chính về việc thua lỗ nhiều tỷ đồng ở PVC.

Cụ thể, theo tài liệu của cơ quan chức năng, trong thời gian từ năm 2007-2013, đặc biệt giai đoạn 2011-2013, Trịnh Xuân Thanh lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cao nhất tại PVC nhưng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách Nhà nước. Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, PVC tham gia với tư cách là Tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công...

Đáng chú ý, thời Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo, nhiều cá nhân thuộc PVC đã bị kỷ luật và xử lý hình sự. Đơn cử là vụ Công ty Cổ phần Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME). Năm 2009, Trịnh Xuân Thanh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT PVC, đã cùng các thành viên HĐQT chủ trương thành lập PVC-ME với số vốn điều lệ 500 tỉ đồng, trong đó PVC giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 40% và giao ông Trịnh Văn Thảo làm Giám đốc.

Ngành nghề chính của công ty này là xây dựng hạ tầng, làm nền móng, gia công cơ khí; do năng lực Ban lãnh đạo công ty yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình sau đó đi thuê nhà thầu phụ thi công, đứng giữa... “ăn” phần trăm. Ngày 12-9-2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, sau đó khởi tố 15 bị can liên quan đến các sai phạm tại PVC-ME.  Ngày 11-8-2015, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC-ME. Đầu tháng 2-2016, vụ án được TAND Tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm.

Trong vụ án trên có 13 bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái thì có tới 11 bị cáo thuộc PVC-ME. Cơ quan tố tụng xác định PVC-ME đã lập quỹ trái phép với khoản tiền hơn 85 tỉ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp khách. HĐXX xác định hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVC-ME gần 47 tỉ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 1,1 tỉ đồng...

Theo kết luận của các cơ quan chức năng, đến năm 2012, tại PVC-ME đã để xảy ra thua lỗ với khoản tiền hơn 576 tỉ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chưa kể những khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỉ đồng. Thua lỗ, thất thoát tại PVC-ME đã khiến tăng thêm con số thiệt hại “khủng” tại PVC.   

Theo ANTĐ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến