CTCP Bao bì Dầu Thực Vật (HOSE: VPK) mới thua lỗ 2 năm liên tiếp đã quyết định giải thể do không còn thấy con đường tươi sáng trong hoạt động kinh doanh. Nhưng trên sàn chứng khoán, có những doanh nghiệp ngập trong thua lỗ từ 4 năm liên tiếp (thậm chí, có doanh nghiệp tới 7-8 năm) với khối nợ đồ sộ cùng vốn chủ sở hữu âm cả ngàn tỷ đồng nhưng vẫn chưa chịu “hạ cờ”. Nhờ “thế lực” nào phía sau mà những doanh nghiệp này vẫn duy trì “xác sống - zombie” từ đó đến nay như vậy?
Theo thống kê của Vietstock, có 48 doanh nghiệp trên sàn UPCoM ghi nhận mức lỗ 4 năm liên tiếp từ năm 2015-2018, trong đó đa phần không chỉ ngốn hết vốn chủ sở hữu mà còn âm nặng, vay nợ ngân hàng chất đống.
Những doanh nghiệp thua lỗ 4 năm liên tiếp từ 2015-2018
(Đvt: Triệu đồng)
Nguồn: VietstockFinance
“Đáng nể” nhất là CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCoM: NOS)khi vốn chủ sở hữu âm tới 3,634 tỷ đồng, tổng vay nợ tài chính ngắn và dài hạn cũng gần 3,000 tỷ đồng do gánh nặng thua lỗ “đời nảo đời nao” từ năm 2012 tới nay với con số mỗi năm từ 158 tỷ đến gần cả ngàn tỷ đồng. Đồng nghĩa NOS ghi nhận tới 7 năm liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn, sống dựa vào vay nợ tài chính!? Năm 2018, mặc dù NOS có chuyển sang đầu tư lĩnh vực văn phòng cho thuê, đại lý vé máy bay… nhưng vẫn không gánh nổi cho hoạt động chính là khai thác tàu biển. Mặc dù thua lỗ nặng như vậy, nhưng có lẽ nhờ “bóng” cổ đông lớn nhất là Vinalines đã “che” cho “con tàu” NOS không thể chìm!? Hiện, cổ phiếu NOS trên UPCoM chỉ chưa bằng ly trà đá với 300 đồng/cp.
CTCP Việt An (UPCoM: AVF) là “á quân” về âm vốn chủ sở hữu với 1,779 tỷ đồng khi ghi nhận lỗ 5 năm liên tiếp từ 2014. Từ đó đến nay, AVF chỉ hoạt động cầm chừng bằng cách gia công hàng thủy sản cho đối tác, thay vì xuất khẩu như trước. Theo AVF, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là thông qua Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đàm phán với các ngân hàng về việc mua bán nợ và tái cấu trúc tài chính Công ty. Còn dài hơi hơn, AVF có tham vọng trở lại top những công ty chế biến và xuất khẩu cá tra vào năm 2022. Nhưng câu chuyện này của AVF có lẽ là viễn vông khi mà gánh nặng vay nợ tài chính hiện tại hơn 1,000 tỷ đồng.
Thêm vào đó, mặc dù AVF có tới 1,861 cổ đông cả tổ chức và cá nhân, nhưng tuyệt nhiên không hề có cổ đông lớn nào nắm giữ trên 5% vốn, cho thấy nhà đầu tư đã không còn tin vào khả năng của AVF và có lẽ đa phần đang mắc kẹt vốn tại đây. Tuy nhiên, với khả năng tạo công ăn việc làm cho 1,000 công nhân của tỉnh nhà, khả năng AVF cũng không dễ “tràn bờ” mà buông bỏ tất cả để giải thể!?
CTCP Hữu Liên Á Châu (UPCoM: HLA) cũng chìm trong thua lỗ từ năm 2013 - 2018 với mức âm vốn 1,395 tỷ đồng, nhưng vay nợ tài chính có vẻ đỡ hơn hai doanh nghiệp trên khi ở mức 690 tỷ đồng. HLA thừa nhận cán cân nợ quá lớn trong khi thua lỗ thời gian dài nên đã ảnh hưởng đến vòng quay của dòng tiền, vì thế, Công ty phải xử lý hàng tồn kho để giải quyết chi phí.
Mặc dù HLA tự tin thương hiệu Ống thép Hữu Liên nổi tiếng trên thị trường trong nước nhưng kỳ lạ là tính đến tháng 9/2018, đội ngũ lao động của Công ty chỉ có 27 người, trong đó 10 người là lao động phổ thông. Vậy nhưng, HLA vẫn tự tin đặt kế hoạch từ nay đến năm 2023 doanh thu mỗi năm nhích nhẹ một ít với mức khởi đầu 2019 là 20 tỷ đồng và đến 2023 đạt 30 tỷ đồng. Còn lợi nhuận và cổ tức vẫn là con số 0. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được trình bày cụ thể, rõ ràng và đầy đủ về các giải pháp khả thi để đáp ứng nguồn tài chính cho Công ty tiếp tục hoạt động trong tương lai.
Hiện, cổ đông lớn của HLA chính là Chủ tịch Trần Xảo Cơ và Tổng Giám đốc Trần Tuấn Nghiệp. Đáng nói, trong năm 2018, Ngân hàng Quốc dân (NCB) đã quyết định thu giữ tài sản đảm bảo của HLA, Chủ tịch Trần Xảo Cơ và bà Lưu Lang Phương để xử lý thu hồi nợ xấu liên quan đến khoản vay. Đồng thời, HLA cũng chưa thanh toán nợ theo kế hoạch cho VAMC. Chính những điều đó đã khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Tất nhiên, hầu hết những cổ phiếu này đều bị hạn chế giao dịch hay bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường...
Một “đồng nghiệp” khác của NOS chính là CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST) cùng cuộc hành trình thua lỗ từ năm 2012 với vốn âm đến nay là 1,156 tỷ đồng và vay nợ tài chính gần 1,400 tỷ đồng. Tương tự như NOS, VST cũng cho biết sẽ tăng cường góp vốn đầu tư cho những lĩnh vực ngành nghề có hiệu quả, bao gồm phát triển cho thuê thuyền viên, cho thuê văn phòng... đồng thời có tham vọng dự kiến đến năm 2020, nếu tình hình tài chính thuận lợi sẽ đầu tư thêm tàu hàng khô tải trọng 34,000 DWT đã qua sử dụng với mức đầu tư dự kiến 15 triệu USD/tàu. Vậy nhưng, trước mắt, VST lại vẫn xài “chiêu” truyền thống là trình Vinalines tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho VST được xóa lãi vay và khoanh nợ gốc tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Doanh nghiệp cuối nằm trong top vốn âm trên ngàn tỷ đến từ lĩnh vực xây dựng chính làCTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (UPCoM: NTB). NTB đến giờ vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán của năm 2017 và 2018 nên muốn tìm hiểu thêm về tình hình hiện tại của đơn vị này cũng rất khó, khi báo cáo tài chính khá sơ sài. Còn kết quả kinh doanh thì không còn gì để nói, tệ hơn cả những anh tệ nhất khi 3 năm liền (từ năm 2016-2018) mở đầu bảng Kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu âm gần 10 tỷ/năm. Còn thua lỗ thì khởi đầu từ năm 2011 đến nay cứ đều đặn lũy tiến.
Bởi có quá ít thông tin cho nên theo tìm hiểu, tính đến tháng 5/2018, cổ đông lớn của NTB chỉ còn ông Nguyễn Hữu Trường với tỷ lệ nắm giữ 19.01%.
Ngoài danh sách vốn âm trên ngàn tỷ do thua lỗ từ 4 năm liên tiếp trở lên, có những doanh nghiệp đã một thời “nổi danh” được rất nhiều nhà đầu tư cũng như báo chí khai thác mặt xấu như SQC, VNH, GTT, KHL, PVR… Tất nhiên, hầu hết những cổ phiếu này đều bị hạn chế giao dịch hay bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường... Nhưng liệu những hình phạt này có đủ lớn so với những gì cổ đông đã phải gánh chịu trong thời gian qua? Nhờ “thế lực” nào phía sau mà những doanh nghiệp này vẫn duy trì “xác sống - zombie” từ đó đến nay như vậy?
Theo FILI
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy