Theo PGS.TS Dương Vân Phong, giảng viên cao cấp Trường Đại học Mỏ - Địa chất, có nhiều nguyên nhân khiến nhiều đoạn vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội dù lát đá tự nhiên có tuổi thọ 50-70 năm nhưng lại đang xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng.
Một đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đã xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Tố Linh).
Đầu tiên, theo PGS.TS Dương Vân Phong, kích thước và công nghệ lát đá vô cùng quan trọng. Vỉa hè Hà Nội, theo quan sát, đa số được lát bằng đá khổ rộng nhưng chỉ dày vài centimet.
Ngoài ra, ông Phong cho rằng, việc quản lý, thi công và giám sát thi công cũng có thể là nguyên nhân khiến vỉa hè xuống cấp nhanh chóng.
"Tuổi thọ 50-70 năm chỉ thể hiện độ bền của vật liệu. Việc thành phố lựa chọn lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là đúng nhưng chủng loại đá, kích thước và công nghệ lát như thế nào mới là vấn đề quan trọng, tác động đến độ bền của vỉa hè sau khi được lát" - ông Phong nhận định.
Hiện lớp vỉa hè cũ trên đường Láng Hạ (quận Đống Đa) đã được lát lại bằng đá tự nhiên Granite, có nguồn gốc từ Bình Định. Đá tự nhiên này có độ dày 4cm, với 3 loại kích thước, gồm: 20x50; 10x20; 20x40 (Ảnh: Nguyễn Trường).
Cũng theo vị Giảng viên cao cấp Trường Đại học Mỏ - Địa chất, chức năng số một của vỉa hè là giao thông và chỉ để phục vụ người đi bộ. Tuy nhiên, ở Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung, ngoài phục vụ việc đi bộ, vỉa hè còn phục vụ nhu cầu vận tải. Đặc biệt, có những nơi, vỉa hè còn bị tận dụng để đỗ ô tô, xe cơ giới.
"Vỉa hè ở Hà Nội bị sử dụng đa mục đích. Vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe ô tô, bị đủ các loại phương tiện cơ giới đi lên. Chưa kể việc bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, phục vụ các hoạt động. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị, sử dụng sai công năng và trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan làm công tác quản lý nhà nước" - ông Phong nêu quan điểm.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, PGS.TS Dương Vân Phong nhận định, sẽ làm xấu bộ mặt của thành phố, gây tâm lý khó chịu cho người dân. "Suy cho cùng đây cũng là tài sản của nhân dân, tiền mà nhân dân đóng thuế rồi nhà nước có nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng. Làm vài năm, thậm chí có nơi vài tháng đã hỏng, xuống cấp là rất lãng phí" - ông Phong bày tỏ.
Hình ảnh 2 dãy ô tô đỗ trên vỉa hè, chiếm dụng làn đường dành riêng cho người đi bộ gần trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh: Nguyễn Trường).
Đề cập đến giải pháp, PGS.TS Phong cho rằng, việc lát vỉa hè thuộc về chuyên môn nên kiến nghị cơ quan có thẩm quyền mời chuyên gia tham gia ở các khâu thiết kế, thi công, bảo trì…
"Cái gì thuộc về chuyên môn thì cần chuyên gia tham gia. Ví dụ, chuyên gia sẽ tham gia từ công đoạn chọn chất liệu, chọn kích cỡ đá, xây dựng, thi công và bảo trì. Như thế vừa bền vững và vừa tiết kiệm" - ông Phong nêu quan điểm.
Như đã đưa tin, cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, theo đó, mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.
Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, những vỉa hè lát đá tự nhiên này có tuổi thọ không như mong đợi, ngược lại xuống cấp nhanh chóng khiến dư luận thất vọng.
Tác giả: Nguyễn Trường
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy