Dòng sự kiện:
Vì sao vốn FDI từ Trung Quốc giảm mạnh? ​
02/01/2021 10:04:25
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Việc đi lại giao thương của các nước gần như ngưng trệ bởi các biện pháp phòng chống dịch.

Trong bối cảnh đó, vốn Trung Quốc vào Việt Nam đã quay đầu giảm mạnh. Với những dự án “tai tiếng” trước đó về nguy cơ ô nhiễm môi trường, các chuyên gia từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo với dự án vốn FDI từ Trung Quốc.

Vì sao vốn FDI từ Trung Quốc giảm mạnh? ảnh minh hoạ​

Thống kê của Bộ KH&ĐT, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và góp vốn mua cổ phần năm 2021 đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019.

Do tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI  trong năm 2020 tuy giảm so với năm 2019 song mức độ giảm đã được cải thiện (giảm 2% so với năm 2019). Nhiều doanh nghiệp FDI  đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng dự án.

Điểm nhấn trong năm 2020 là vốn đầu tư điều chỉnh đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019. Có 1.140 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 17,5% so với cùng kỳ.

Đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2020, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc),…

Nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 609 dự án. Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 342 dự án. Nhật Bản đứng thứ ba với 272 dự án. Hồng Kông đứng thứ tư với 211 dự án.

Dù vẫn xếp ở vị trí số 2, số 3 đầu tư vào Việt Nam tuy nhiên nhìn ở bức tranh tổng thể thì vốn Trung Quốc vào Việt Nam đã quay đầu giảm mạnh. Nếu như năm 2019, tổng vốn Trung Quốc vào Việt Nam đạt 4,1 tỷ USD thì năm 2020 giảm một nửa, chỉ còn hơn 2 tỷ USD.

Luỹ kế đến tháng 12/2020, Trung Quốc vẫn giữ vị trí thứ 7 đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 18,5 tỷ USD và 3.123 dự án. Top đầu vẫn là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Nguồn FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước.

Năm 2020, cả nước có 2.523 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 35% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 14,65 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Các dự án FDI lớn được cấp phép năm 2020 gồm: Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Xinh-ga-po), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG (cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư - GCNĐKĐT ngày 16/01/2020). Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 18/4/2020). Dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) tại thành phố Hà Nội, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 29/6/2020).

Dự án Pegatron Việt Nam (Đài Loan - Trung Quốc), vốn đầu tư 481 triệu USD với mục tiêu sản xuất thiết bị chơi game, phụ kiện điện thoại, loa thông minh, bộ điều khiển game; các loại máy tính tại thành phố Hải Phòng (cấp GCNĐKĐT ngày 30/10/2020).

Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Tây Ninh (cấp GCNĐKĐT ngày 21/01/2020)

Các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 4,2 tỷ USD và trên 1,6 tỷ USD.

Tác giả: Quỳnh Nga

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến