Dòng sự kiện:
Vì sao xuất khẩu gạo Thái Lan giảm kỷ lục trong 20 năm qua?
26/12/2020 07:36:58
Thời tiết không thuận lợi, đồng Bat tăng giá, sản phẩm bị cạnh tranh… là những nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan sụt giảm mạnh.

Một tin không vui cho ngành gạo Thái Lan khi năm 2020, nước này dự báo chỉ xuất khẩu được khoảng 5,7 triệu tấn gạo - giảm 12% so với năm ngoái và là mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Trong nhiều năm, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng gần đây đã tụt xuống sau Ấn Độ và Việt Nam tùy tình hình mỗi năm.

Nếu như trong mấy năm gần đây, dù liên tục xếp sau Ấn Độ nhưng khối lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan vẫn giữ mức chênh lệch không quá lớn - khoảng từ 1-3 triệu tấn. Nhưng năm 2020 là lần đầu tiên Thái Lan bị Ấn Độ bỏ xa tới 9-10 triệu tấn. Trong đó, năng suất lúa trung bình của Thái Lan hiện nay cũng được đánh giá là thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh, như Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia; thậm chí còn bị đánh giá thấp hơn cả các nước láng giềng như Myanmar, Lào, Campuchia...

Những người nông dân Thái Lan đang trải qua một giai đoạn nhiều khó khăn, khi mọi điều kiện và yếu tố liên quan đều không còn nằm trong tầm kiểm soát. “Chúng tôi không có đủ nước cho mùa màng trong năm nay, mùa mưa thì đến muộn, các kênh đào thì bị nhiễm mặn. Nông dân chúng tôi thực sự gặp khó khăn khi không đủ nước mưa do hạn hán năm nay quá nặng nề”, bà Wimol Riemsri, một nông dân Thái Lan chia sẻ.

Trong nhiều năm, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng gần đây đã tụt xuống sau Ấn Độ và Việt Nam tùy tình hình mỗi năm. Ảnh minh họa: KT

Thái Lan là quốc gia xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới nhưng với thực tế hiện nay, vị trí này cũng khó bảo toàn do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Có thể kể đến như hạn hán, dịch bệnh Covid-19, giá trị đồng bạt tăng khiến giá gạo của Thái Lan cũng tăng lên, giảm tính cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước... Giới chức Thái Lan không chỉ lo ngại về sự sụt giảm nghiêm trọng trong năm nay mà còn cho cả lộ trình dài hơi sắp tới.

Ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, sản phẩm lúa gạo đã giảm mạnh khả năng cạnh tranh do chi phí nhân công đang tăng lên, giá sản phẩm cũng tăng trước sự già hóa các thế hệ người nông dân (trung bình đều đã hơn 55 tuổi). Trong khi đó, thế hệ trẻ họ không muốn theo nghề nông như cha mẹ.

Những người nông dân Thái Lan còn lo lắng rằng, các khoản hỗ trợ của chính phủ để giữ giá nông sản sẽ không thể đủ. Thế nhưng, việc rời bỏ đồng ruộng để tìm kiếm một công việc khác vào thời điểm khó khăn như hiện nay cũng không phải là một lựa chọn tốt.

“Tôi vẫn sẽ làm công việc đồng áng vì cũng không biết làm gì khác. Là người cao tuổi nên tôi cũng không thể xin việc trong các nhà máy. Dù biết cứ cố gắng duy trì làm nông nghiệp cũng khó có thể đảm bảo cuộc sống nhưng tôi chắc vẫn phải tiếp tục”, bà Wimol Riemsri bày tỏ.

Với hàng loạt yếu tố như thời tiết không thuận lợi, đồng Bat tăng giá và ngân sách phân bổ không đủ, sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường khu vực và toàn cầu; sự tụt hậu về giống, năng suất hay thiếu thế hệ kế cận làm nghề nông... là những nguyên nhân được chỉ ra đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của gạo xuất khẩu Thái Lan về lâu dài.

Cũng có một thực tế là, nếu như năm 2020, gạo xuất khẩu của Thái Lan tụt xuống mức thấp nhất trong 20 năm thì dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ - nước hiện xuất khẩu gạo số 1 thế giới, sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay với mức tăng hơn 40%. Trong đó, thị trường trọng điểm của Ấn Độ trong năm nay là châu Phi.

Theo giới quan sát, thế mạnh của Ấn Độ không phải là loại gạo ngon nhất mà là giá thành cạnh tranh với chất lượng ổn định và nắm bắt đúng nhu cầu thị trường. Đây có lẽ cũng là một gợi mở cho Thái Lan để có thể vực dậy ngành sản xuất gạo một cách hiệu quả, đúng hướng thời gian tới./.

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến