Ngày 17/2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định duy trì diện bị cảnh báo đối với cổ phiếu VIG do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 là số âm trên BCTC kiểm toán năm 2022.
Theo VICS, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 âm 164.4 tỷ đồng từ các khoản lỗ kinh doanh lũy kế năm 2011 và 2012 là chủ yếu và số lỗ lũy kế chiếm 36.47% vốn điều lệ mới.
Mặt khác, VICS cũng cho biết do năm 2022 Công ty thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư tài sản tài chính, tăng vốn phát hành thêm 110 tỷ đồng và đạt lợi nhuận sau thuế 2.64 tỷ đồng, nhưng việc tăng vốn này chỉ mới hoàn thành vào cuối tháng 12/2022 nên chưa phát huy được hết hiệu quả sử dụng vốn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, nên hầu hết lợi nhuận của các CTCK đều giảm. Vì thế mà lợi nhuận của Công ty cũng chưa đạt được như kế hoạch đề ra để bù đắp các khoản lỗ lũy kế.
Cuối cùng, Công ty đề ra phương án khắc phục như sau. Đầu tiên, tích cực triển khai hoạt động kinh doanh để đạt lợi nhuận bù đắp cho lợi nhuận lũy kế còn âm. Thứ hai là phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn, tăng nguồn đầu tư cho hoạt động kinh doanh, đồng thời dùng các khoản vốn thặng dư (nếu có) và các quỹ dự phòng hiện đang có để bù đắp lỗ lũy kế này.
Tham vọng đi ngược thị trường năm 2023
Trái với diễn biến ảm đạm của thị trường chứng khoán và dự báo thách thức trong năm 2023, VICS lại có dấu hiệu đặt kế hoạch tham vọng và đi ngược xu hướng thị trường.
Cụ thể, năm 2023, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 118,8 tỷ đồng, tăng 64,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng, tăng 17,88 lần so với thực hiện trong năm 2022.
Được biết, VICS liên tục đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng nhưng kết thúc năm thì hoàn thành một tỷ lệ khiêm tốn. Cụ thể, năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 350 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm tài chính, Công ty ghi nhận doanh thu 72,01 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2,65 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 20,6% kế hoạch doanh thu và 1,6% kế hoạch lợi nhuận.
Xét về cơ cấu doanh thu VICS, năm 2021 doanh thu chủ yếu từ hoạt động môi giới chứng khoán ghi nhận 10,5 tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng doanh thu. Bước sang năm 2022, doanh thu chủ yếu lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ghi nhận 54,39 tỷ đồng, chiếm 75,5% tổng doanh thu; lĩnh vực môi giới đóng góp hơn 10 tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng doanh thu và các lĩnh vực khác.
Ngoài ra, tính tới 31/12/2022, trong tổng tài sản 317,2 tỷ đồng, chủ yếu là tiền và các khoản tương đương tiền đạt 112,2 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng tài sản; cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược ngắn hạn ghi nhận 107,67 tỷ đồng, chiếm 33,9% tổng tài sản (chủ yếu 99 tỷ đồng đặt cọc mua trái phiếu); các khoản phải thu ghi nhận 43,5 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tài sản; tài sản FVTPL ghi nhận 33,25 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng tài sản (chủ yếu đầu tư 26,23 tỷ đồng cổ phiếu TIG) và các khoản mục khác.
Theo tìm hiểu, tất cả các lô trái phiếu Công ty đặt cọc đều phát hành năm 2022, chủ yếu 21 tỷ đồng CTCP Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu Thủ đô; 21 tỷ đồng CTCP Thương mại sản xuất và Đầu tư Hà Thành; 19 tỷ đồng CTCP Đầu tư HDE Holdings (Công ty liên kết của TIG); 19 tỷ đồng CTCP Đầu tư tài chính Kim Lân; và 19 tỷ đồng CTCP Đầu tư toà nhà công nghệ xanh TIG – HDE (Công ty liên kết của TIG).
Để hiểu hơn mối liên hệ mật thiết giữa TIG và VICS, hiện tại ông Nguyễn Phúc Long đang là Chủ tịch HĐQT tại TIG và VICS (bổ nhiệm ngày 29/3/2022). Sau khi bổ nhiệm ông Nguyễn Phúc Long làm Chủ tịch đầu năm 2022, Công ty ngay lập tức xuất hiện các khoản đầu tư vào cổ phiếu TIG và trái phiếu của bên liên quan TIG.
Có thể thấy, hoạt động kinh doanh của VICS gắn liền với các khoản đầu tư vào cổ phiếu TIG (cổ phiếu thị trường), trái phiếu và hoạt động môi giới chứng khoán. Chính vì vậy, diễn biến thị trường chứng khoán sẽ ngay lập tức tác động tới hoạt động kinh doanh của VICS.
Tiếp tục kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ
Quay trở lại với hoạt động kinh doanh của VICS, mặc dù có lãi trong năm 2022 nhưng tính tới thời điểm 31/12/2022, Công ty vẫn ghi nhận lỗ luỹ kế 164,64 tỷ đồng, bằng 35,3% vốn điều lệ. Trong đó, năm thị trường chứng khoán bùng nổ năm 2020, Công ty ghi nhận lỗ 3,5 tỷ đồng, năm 2021 ghi nhận lãi 1,42 tỷ đồng (ROA là 0,68% so với trung bình ngành 9,89%), và năm 2022 ghi nhận lãi 2,65 tỷ đồng (ROA là 0,99% so với trung bình ngành là 2,83%).
Có thể hiệu quả kinh doanh của VICS đang kém hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành, điều này cũng lý giải một phần vì sao cổ phiếu VIG chỉ giao dịch vùng 5.400 đồng/cổ phiếu (ngày 10/3), thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù giao dịch dưới mệnh giá nhưng trong năm 2023, VICS vẫn lên kế hoạch chào bán 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 12.000 đồng/cổ phiếu để huy động 600 tỷ đồng, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và dự kiến triển khai trong quý II/2023.
Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng từ 150 đến 200 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ và dùng từ 250 đến 300 tỷ đồng tự doanh chứng khoán.
Như vậy, so với giá thị trường là 5.400 đồng/cổ phiếu, dự kiến giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ đang cao hơn 122,2% so với giá thị trường.
Được biết, trước đó, trong năm 2022, Công ty cũng thông qua phương án chào bán riêng lẻ 34,13 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng cuối cùng chỉ phát hành được 11 triệu cổ phiếu, đạt tỷ lệ 32,2% tổng lượng dự kiến chào bán. Công ty cho rằng do thị trường chứng khoán có những diễn biến chưa thuận lợi nên kết quả phát hành chưa đạt như mong đợi.
Có thể thấy, với việc đang lỗ luỹ kế 164,64 tỷ đồng, triển vọng thị trường chứng khoán không quá lạc quan và có nhiều giao dịch đầu tư cổ phiếu và trái phiếu của bên liên quan là TIG, điều này là khó khăn cho nhà đầu tư bên ngoài muốn tham gia góp thêm vốn vào VICS ở thời điểm hiện tại.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/3, cổ phiếu VIG giảm 200 đồng về 5.400 đồng/cổ phiếu.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy