Trong một cuộc họp vào tháng 2/2025, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sẽ đổi mới biện pháp điều hành tiền tệ, có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.
Đối với một thị trường dựa nhiều vào đòn bẩy tài chính như bất động sản, “room” tín dụng là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Trước đó vào năm 2022, không ít người mua nhà đã phải chật vật, chạy vạy khắp nơi “xoay tiền” khi nhiều ngân hàng cạn “room”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư của DKRA Group cho biết, khi bỏ “room” tín dụng, các nhà băng sẽ dựa trên chỉ số an toàn, khả năng huy động vốn, tỷ lệ nợ xấu cùng nhiều chỉ số khác để cân đối lượng tiền cho vay.
“Thay đổi này hứa hẹn sẽ tạo ra cơ chế linh hoạt hơn so với việc điều phối và cấp ‘room’ như hiện nay. Khi tiền được ‘bơm’ ra thị trường, nền kinh tế sẽ được kích thích tăng trưởng. Trong đó, lĩnh vực bất động sản cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, đây sẽ là bài toán hai chiều. Nếu dòng tiền chỉ chảy vào ngành địa ốc sẽ không phải là tín hiệu tốt”, ông Võ Hồng Thắng cho hay.
Giám đốc đầu tư của DKRA nhận định rằng, việc tiến tới bỏ “room” tín dụng sẽ khó dẫn tới bong bóng bất động sản như lo lắng của nhiều người. Sau nhiều chu kỳ biến động, hành lang pháp lý hiện đã hoàn thiện hơn, sự minh bạch của thị trường đã được nâng cao, các nhà đầu tư cũng cẩn trọng hơn khi xuống tiền…
“Mọi chủ thể trên thị trường bất động sản đều đã bước sang một cấp độ mới. Vì vậy, rất khó để xảy ra bong bóng hay khủng hoảng từ việc xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, thị trường vẫn luôn cần sự quản lý, điều phối sát sao từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Võ Hồng Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm với phóng viên, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc bỏ “room” tín dụng đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại phải nâng cao trách nhiệm đối với hoạt động cho vay của mình. Điều này vừa giúp đảm bảo nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, vừa đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.
“Việc đầu tư vào bất động sản đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Đây là lĩnh vực có thể có nhiều biến động từ giá nhà, đất. Nếu không quản lý tốt, các ngân hàng cho vay quá nhiều vào bất động sản thì sẽ tự đưa mình vào ‘ngõ cụt’. Khi bất động sản giảm giá hoặc đóng băng, các ngân hàng sẽ phải đối diện với rủi ro mất vốn”, ông Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Vị chuyên gia cho rằng, các ngân hàng sắp tới cần chủ động rà soát các yêu cầu, điều kiện cho vay theo hướng ưu tiên tính an toàn. Đồng thời, phía các cơ quan quản lý nên có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Điều này sẽ đảm bảo việc cho vay của ngân hàng là đúng và đủ, tránh việc gián tiếp tạo ra bong bóng trên thị trường bất động sản.
Tác giả: Thanh Vũ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy