Tiếp tục chương trình Phiên họp 38, ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo.
Đừng quy định “cứng” quá
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đề xuất bảo lưu chế độ trong hoạt động nhà giáo, nhà giáo chuyển từ công lập sang dân lập, dân lập sang công lập, từ công lập sang công lập, sang các đơn vị mới mà chế độ thấp hơn đơn vị cũ thì bảo lưu 36 tháng, là hợp lý, nhưng nếu điều động từ cơ sở giáo dục công lập sang quản lý mà 36 tháng bảo lưu thì không nên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Theo khoản 6 Điều 19 là không thực hiện điều động đối với nhà giáo nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tuổi, nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà giáo có vợ, chồng đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đừng quy định “cứng” quá.
“Người ta đang theo chồng ở biên giới, bảo không điều người ta đi nhưng bây giờ chồng đi thì phải cho người ta đi theo, mặc dù chưa đến 36 tháng, tạo điều kiện tốt hơn cho nhà giáo. Cứ việc gì tốt hơn cho nhà giáo là phải ủng hộ, chứ đừng cứng quá!” – ông Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm.
Về chế độ nghỉ hưu, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý theo quy định của Bộ luật Lao động và đề nghị phải thêm "và các luật khác có liên quan". Khoản 2 thể hiện “nhà giáo có thể nghỉ ít hơn 55 tuổi nhưng không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ”, ông Định cho rằng nếu viết thế phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội. “Theo tôi không nên, mình có chính sách khác, nếu ghi vào luật sẽ đặc quyền, đặc lợi và mâu thuẫn Luật Bảo hiểm xã hội vừa mới thông qua” – ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ đồng tình với cách tiếp cận về phạm vi như dự thảo luật, tức luật này có những quy định chung và quy định đặc thù đối với nhà giáo, nhưng phân biệt đối tượng nhà giáo hoạt động cho các đơn vị khác nhau, áp dụng theo quy định Luật Viên chức, Bộ luật Lao động và thêm những quy định của luật này.
Liên quan đến chính sách tiền lương và đãi ngộ, ông Hoàng Thanh Tùng đánh giá đây là một trong những nội dung đột phá, đảm bảo sức thu hút để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, ông đề nghị tờ trình của Chính phủ và các hồ sơ kèm theo lý giải đầy đủ hơn và lập luận thuyết phục những cơ chế, chính sách được đề xuất.
Ví dụ, dự thảo đang đề xuất giữ lại rất nhiều khoản phụ cấp trong khi Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương đặt vấn đề phải thu hẹp hoặc hợp nhất một số loại phụ cấp, đặc biệt liên quan đến vùng miền, nghề nghiệp… Đây là vấn đề cần phải có sự lý giải, phân tích đầy đủ cũng như xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải thì nêu một số hiện tượng diễn ra vừa qua “khá đau xót, ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà giáo”. Như việc cô giáo vận động phụ huynh học sinh góp tiền để mua máy tính, hay hình ảnh cô giáo thân mật quá mức với học sinh ngay tại lớp học. Báo chí cũng vừa thông tin có giáo viên, thủ quỹ sai phạm trong việc thu tiền của học sinh và vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra…
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đạo đức nhà giáo, cũng như có các chính sách để Luật Nhà giáo ra đời tạo đột phá và thực hiện đúng thầy, cô giáo là chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi cho người học.
Chính sách phải phù hợp, khả thi
Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; không làm một cách mênh mông, dàn trải, có nghĩa là đánh giá tác động rõ tới đâu thì quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tới đó.
Theo dự thảo, có 3 nhóm đối tượng là nhà giáo công lập, nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài làm việc trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính phù hợp, khả thi của từng chính sách và tránh nêu chính sách chung chung.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Về các chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, hỗ trợ miễn học phí…, theo báo cáo của Chính phủ thì nguồn hỗ trợ của Nhà nước là tương đối lớn. “Nguồn này ở đâu để bố trí chi hằng năm? Phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác” – ông Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề và lưu ý đây là luật khó, phạm vi tác động lớn nên phải thận trọng, kỹ lưỡng.
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ban soạn thảo dự án luật rà soát kỹ lưỡng về kỹ thuật văn bản và kỹ thuật lập pháp, bảo đảm ngắn gọn, dễ thực hiện, dễ hiểu và dễ đánh giá. Việc tiếp thu phải có phương án cụ thể, giải trình phải có cơ sở lý luận chặt chẽ, căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng gửi cơ quan chủ trì thẩm tra chính thức để báo cáo trình với Quốc hội.
“Chúng ta phấn đấu luật này là một luật mẫu về đổi mới tư duy, xây dựng luật đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Chúng tôi rất mong với một luật ngắn, gọn, rõ, đảm bảo đúng thẩm quyền và sau khi ban hành thực hiện được ngay” – bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Tác giả: Ngọc Thành