Công khai, minh bạch mới kiểm soát được
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng.
Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết đã có những chỉ đạo và có những biện pháp như nào để thực hiện chỉ đạo trên?
Cũng theo nữ đại biểu, thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật.
Đại biểu đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?
Trả lời đại biểu, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế là vấn đề lớn, liên quan nhiều ngành, nhiều cấp.
Ở góc độ của mình, ông kiến nghị tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả cải cách hành chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bởi có công khai, minh bạch thì mới kiểm soát được.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn tại phiên họp 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Cùng với đó phải hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ, dễ áp dụng, không thể hiểu và làm khác. Thời gian vừa qua nhiều luật được ban hành, chất lượng được nâng lên, tuy nhiên, theo Viện trưởng Lê Minh Trí, chất lượng nâng lên nhưng văn bản hướng dẫn, giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời, dẫn đến nhận thức áp dụng pháp luật có lúc khác nhau.
Qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, cần nghiên cứu để bịt các kẽ hở trong quy định để tránh bị lạm dụng.
Bên cạnh đó phải có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt, thanh toán không thông qua ngân hàng, qua đó kiểm soát tốt hơn.
Ngoài ra tăng cường chế tài trách nhiệm quả lý nhà nước, hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là ở các khâu nhạy cảm; tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm để răn đe giáo dục.
Không chủ đích vụ lợi thì nên xem xét
Liên quan đến bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, ông Lê Minh Trí bày tỏ đã trăn trở, suy nghĩ và phát biểu một số lần ở một số diễn đàn.
“Trước hết, tôi và ngành quyết tâm cao trong thực hiện chủ trương đấu tranh PCTN, tiêu cực mà Đảng, nhân dân đang mong muốn. Để bảo vệ chế độ, giữ vững lòng tin của dân với Đảng thì phải làm tốt việc này” – ông Lê Minh Trí nói.
Về chế tài pháp luật, Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, cần xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt để răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy có trường hợp thực hiện mệnh lệnh cấp trên, hay cấp trên gợi ý mà cấp dưới phải chấp hành, hay cấp dưới tham mưu nhưng không sát, không đầy đủ hay có yếu tố rủi ro bất khả kháng mà khi họ chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, hợp tác thì có thể miễn, giảm, tha nhưng áp dụng luật hiện hành có vướng.
“Đất nước phát triển như thế này mà khối lượng công việc lớn, không chủ đích vụ lợi thì đề nghị nên rà soát, sửa lại điều luật cụ thể vì hậu quả không lớn mà bị xử lý hình sự” – ông nói.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết với vụ án lớn như vụ Việt Á, cơ quan điều tra, VKS, tòa án ngồi với nhau nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chủ trương chính sách hình sự phân hóa làm 3 loại: Xử lý nghiêm, giảm và không xử lý hình sự mà chỉ xử lý về mặt Đảng, hành chính.
Tuy vậy, đó là với vụ án cụ thể thì cơ quan chức năng tham mưu đề xuất, còn tổng thể áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc thì chưa có. Chính vì vậy ông từng kiến nghị rằng, phải cụ thể hóa bằng luật từ văn bản của Đảng khi làm sai do chấp hành mệnh lệnh cấp thì không kỷ luật. Đảng không kỷ luật nhưng hành vi cụ thể là vi phạm pháp luật cộng với gây ra hậu quả thì vướng. Vừa rồi như phương án xử lý vụ Việt Á là vận dụng pháp luật và xin chủ trương chứ không áp dụng pháp luật được.
Viện trưởng Lê Minh Trí một lần nữa nhấn mạnh, đây là việc lớn, phải có đồng bộ, chủ trương, phân công nhóm những cơ quan, ngành ngồi lại, rà về chủ trương, chính sách pháp luật để đề xuất điều chỉnh. Ông dẫn ví dụ theo quy định chỉ thiệt hại 100 triệu đồng đã khởi tố và xử lý hình sự rồi và trong tình hình đất nước phát triển như hiện nay thì không còn phù hợp.
“Chế tài khung hình phạt tù nên giảm và tăng phạt tiền để đảm bảo vừa xử lý nghiêm chủ mưu, cầm đầu, chiếm đoạt, vụ lợi, vừa nhân văn với người có rủi ro. Tôi muốn cái nào nghiêm thì phải xử nghiêm để răn đe giáo dục, nhưng cũng có cái phải nhân văn để phát huy sự năng động, sáng tạo của cán bộ nhằm phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay” – ông Lê Minh Trí nêu quan điểm./.
Tác giả: Ngọc Thành
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy