Tin tức Báo đầu tư đăng tải, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay đã đạt được, khi nền kinh tế tiếp tục xu hướng khởi sắc và chỉ còn một tháng cuối cùng để về đích.
Nhìn diễn biến của nền kinh tế trong 11 tháng qua, không khó để thấy rằng, càng về cuối năm, những hiệu ứng tích cực của nền kinh tế càng thể hiện rõ. Tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, căn cứ số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, kể từ sau khi báo cáo trước Quốc hội vào đầu kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, nền kinh tế “tiếp tục khởi sắc”.
Xuất khẩu tăng nhanh đang hỗ trợ lớn cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Ảnh: Đức Thanh
Sự khởi sắc này ngày càng rõ ràng hơn, khi số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, các chỉ số vĩ mô của kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm là rất tích cực.
Không quá khó để lấy những con số để chứng minh cho nhận định này. Rõ nhất và tích cực nhất là sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tăng tới 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính chung 11 tháng, mức tăng là 9,3%, cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng năm nay và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.
Sản xuất công nghiệp tăng mạnh là một trong những động lực cơ bản khiến tăng trưởng kinh tế phục hồi. Chưa kể, cùng với sản xuất tăng vững, thì xuất khẩu bứt phá cũng là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Con số xuất khẩu của tháng 11 được Tổng cục Thống kê ước tính là 19,2 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 11 tháng lên 193,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Với kết quả này, năm nay, không chỉ chạm mốc 200 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt trên 210 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.
Với tăng trưởng xuất khẩu hiện cao gấp 3 lần mục tiêu đề ra (7 - 8%), tăng trưởng nhập khẩu vừa phải, nền kinh tế đang xuất siêu lớn. Con số xuất siêu của 11 tháng ước lên tới 2,8 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu 2,5 tỷ USD của cả năm 2016. Xuất khẩu tăng nhanh, xuất siêu lớn cũng hỗ trợ lớn cho tăng trưởng.
Ngoài sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, các điểm sáng khác của nền kinh tế còn có thể kể đến như thu hút đầu tư nước ngoài lên tới trên 33 tỷ USD trong 11 tháng qua, tăng trên 80% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng đang chuyển biến tích cực, nhờ vào sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. Trong 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước đã đạt 252.800 tỷ đồng, bằng 82,9% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trước đó, trao đổi trên báo Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đình Ân khẳng định: Với mức tăng trưởng GDP quý III/2017 ở mức 7,46%, thì khả năng đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 2017 ở mức 6,7% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn có thể. TS Lê Đình Ân cho rằng, mức tăng trưởng Quý III tuy đột biến nhờ hai yếu tố: Tăng trưởng của khối FDI, trong đó đặc biệt là Samsung trong lĩnh vực điện thoại di động, linh kiện điện tử, sản xuất thép của Formosa; tăng trưởng xuất khẩu với 75% tỉ lệ tăng trưởng của các DN đầu tư nước ngoài. Từ những cơ sở này, không những chỉ đạt mức tăng trưởng 6,7%, thậm chí chúng ta có thể vượt ở mức 6,8% của năm 2017.
Nhấn mạnh về điều này, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: FDI góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, không chỉ Samsung, mà còn có sự đóng góp của Formosa. Sản xuất kim loại trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng 21,4%. Mặc dù mới đi vào sản xuất chưa lâu, nhưng Formosa sản xuất 1,5 triệu tấn thép thô, doanh thu đạt 16,85 nghìn tỉ đồng, đóp góp vào tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Dương Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), “đòn bẩy” để mức tăng trưởng Quý III đạt mức ngoạn mục là nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với đà tăng trưởng cao ở mức 16,63%, trong đó sắt thép thô tăng gần 40%, thép thanh, thép góc tăng 23,3%... Bên cạnh đó, các nhân tố khác cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trưởng mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng vượt kế hoạch, đặc biệt là xuất khẩu tăng vượt gấp 3 lần so với chỉ tiêu đề ra…
Ông Nguyễn Anh Dương - phụ trách Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) - cho hay: Bỏ qua câu chuyện về con số, nhìn chung về tăng trưởng trong quý III là khá nhanh, điều này phản ánh đà tăng trưởng phù hợp với tình hình kinh tế thế giới đang phục hồi tương đối thuận lợi. Hồi đầu năm tất cả chúng ta cũng chưa thể lường tới khả năng này. Tuy nhiên, con số 7,46% trong quý III hay 6,41% trong cả ba quý cũng chưa phải là cao so với con số tăng trưởng của Việt Nam trước thời gian khủng hoảng kinh tế (năm 2007). Nhiều năm qua, chúng ta quen với những con số tăng trưởng thấp bởi chúng ta tập trung tái cơ cấu bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời khi ấy nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Khi quay trở lại con số tăng trưởng cao thì nghĩa là ta đang quay trở lại đà phục hồi.
Xuân Tùng (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy