Xung đột Nga - Ukraine và những bất ổn trên toàn cầu đe dọa làm gia tăng chi phí năng lượng, nguyên liệu đầu vào và gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi trong hoạt động đầu tư quốc tế của các doanh nghiệp ngoại.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể tận dụng sự chuyển dịch này khi các doanh nghiệp nước ngoài sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Những hiệp định thương mại tự do cũng giúp tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong vai trò là thị trường cung ứng.
"Dù doanh nghiệp Đức thể hiện khả năng chống chịu trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, họ vẫn đang đối mặt với những rủi ro và thách thức do các bất ổn trên toàn cầu", Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK tại Việt Nam) nhận định tại buổi công bố Kết quả khảo sát Đánh giá niềm tin của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Điều này khiến các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam lo ngại hơn về sự phát triển kinh doanh trong năm tới.
"Dù không trực tiếp, xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tác động gián tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Những bất ổn này làm gia tăng chi phí, thúc đẩy lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, kinh tế Đức và doanh nghiệp Đức ở Việt Nam", ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam - trả lời Zing.
Rủi ro và thách thức
Hiện tại, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho rằng rủi ro lớn nhất là giá nguyên liệu thô gia tăng, sau đó tới giá năng lượng và sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao.
Điều này dẫn đến những thay đổi trong hoạt động đầu tư quốc tế của các doanh nghiệp Đức, chẳng hạn điều chỉnh đánh giá rủi ro về địa điểm và tách rời về mặt kinh tế (decoupling) giữa các khu vực trên thế giới.
Dù không trực tiếp, xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tác động gián tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam |
74,1% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam được hỏi cho rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ dẫn tới chi phí năng lượng, nguyên liệu thô đầu vào cao hơn. 2 mối lo ngại lớn khác là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng (55,6%) và thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất (25,9%).
Tuy nhiên, theo ông Walde, Chính phủ Việt Nam có những công cụ vĩ mô khác nhau trong việc điều chỉnh lạm phát, và cũng có thể tìm kiếm cơ hội trong môi trường bất ổn hiện tại trên thế giới.
"Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các doanh nghiệp Đức phải lên kế hoạch sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Họ sẽ phân bổ đầu tư sang châu Á và Việt Nam, thay vì chỉ phụ thuộc vào những nguồn cung truyền thống", ông nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông Robin Hoenig - Tư vấn cấp cao về chính sách thương mại châu Á tại Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, các doanh nghiệp Đức thường có tâm lý e ngại rủi ro khi đầu tư và chưa có nhiều kinh nghiệm ở những quốc gia châu Á.
Do đó, với nguồn lực tài chính và nhân sự còn hạn chế, họ chỉ đầu tư vào một số ít quốc gia có vị trí địa lý gần, rồi mới dần mở cửa sang những quốc gia khác như Việt Nam.
Nhưng theo ông, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã gia tăng sức hút của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Đức.
Cơ hội từ EVFTA
Theo cuộc khảo sát của AHK với các doanh nghiệp Đức, hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng việc triển khai EVFTA giữa EU và Việt Nam làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam.
Thứ nhất, EVFTA giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Đức tại thị trường Việt Nam. Hiệp định xóa bỏ hơn 99% thuế quan. Đến nay, chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ sử dụng EVFTA của cộng đồng doanh nghiệp Đức, nhưng phản hồi khá tích cực.
Sản lượng xuất khẩu của Đức đã tăng 25% (từ 3 tỷ EUR lên 3,7 tỷ EUR sau khi EVFTA có hiệu lực).
Thêm vào đó, EVFTA tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong vai trò là thị trường cung ứng. Trên thực tế, trước khi EVFTA có hiệu lực, các công ty có thể xuất khẩu theo quy định trong chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cấp (GSP) của EU.
Nhưng EVFTA có chất lượng cao hơn với hơn 99% thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ, so với 2/3 của GSP. Theo ông Hoenig, EVFTA cũng nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong những lĩnh vực chủ chốt.
Lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam khi sang châu Âu đã được tăng lên một cách đáng kể. Chẳng hạn, khi áp dụng chương trình GSP, thuế suất đối với áo khoác và vali du lịch từ Việt Nam lần lượt là 9,6% và 3,3%.
Trong khi đó, thuế suất đối với 2 mặt hàng này từ Sri Lanka và Bangladesh là 0 nhờ chương trình GSP+ và EBA. Giờ, với EVFTA, Việt Nam cũng có được lợi thế tương tự với thuế suất giảm về 0.
Sản lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng 3,7% (từ 10,3 tỷ EUR lên 10,7 tỷ EUR) sau khi EVFTA có hiệu lực.
Cuối cùng, EVFTA giúp giảm rào cản kỹ thuật đối với thương mại, vốn có thể tạo ra gánh nặng đáng kể cho thương mại hàng hóa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cũng thường xuyên tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và Trung Quốc và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Tác giả: Thảo Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy