Vận hành hệ thống thủy nông Tam Giang, bơm nước chống hạn cho lúa Hè Thu ở huyện Tuy An (Phú Yên) trước nắng nóng kéo dài, hồi tháng 8/2021. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Chiều ngày 11/3 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Chia sẻ kết quả rà soát đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho Biến đổi Khí hậu có tên viết tắt là CPEIR, do 6 bộ ngành cùng tham gia thực hiện là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, còn có 28 tỉnh và một thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ.
Báo cáo ghi nhận hơn 70% ngân sách cho biến đổi khí hậu của các bộ và hơn 90% ngân sách khí hậu ở các tỉnh là dành cho chi tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các ưu tiên chính sách của Chính phủ về chi tiêu công trong giai đoạn 2016-2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông Vận tải chiếm 80% tổng ngân sách cho biến đổi khí hậu với các khoản chi tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như thủy lợi và giao thông.
Báo cáo bao gồm các nội dung liên quan tới chi đầu tư và chi thường xuyên ngân sách Nhà nước; trong đó, có hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), giai đoạn 2016-2020 và chi ngân sách nhà nước của giai đoạn 2011-2015 của 5 bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng cùng 3 tỉnh là An Giang, Bắc Ninh và Quảng Nam.
Cùng với đó, báo cáo còn rà soát các chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của quốc gia, ngành và tỉnh/thành phố có liên quan trong giai đoạn 2011-2020.
Báo cáo CPEIR được tiến hành nhằm đưa ra các khuyến nghị về việc lập kế hoạch và lập ngân sách cho biến đổi khí hậu; đồng thời, khuyến nghị việc theo dõi chi ngân sách Nhà nước cho biến đổi khí hậu trong ngân sách Trung ương và tỉnh/thành phố nhằm bảo đảm sự phù hợp giữa ưu tiên ngân sách Nhà nước với các chính sách về biến đổi khí hậu nói chung và cung cấp thông tin hỗ trợ xây dựng chính sách về biến đổi khí hậu.
Các kết quả phân tích của báo cáo có thể góp phần huy động và đa dạng hóa các nguồn tài trợ cho các nhiệm vụ, dự án, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ về các nguồn tài chính cho khí hậu nhận thức sâu sắc rằng việc xây dựng và lập kế hoạch ngân sách nhằm triển khai, hiện thực hóa các chiến lược, chương trình, mục tiêu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng.
Các kết quả đánh giá của báo cáo CPEIR sẽ rất hữu ích trong việc tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống quản lý tài chính công, thúc đẩy sự chuyển đổi từ ngân sách dựa trên đầu vào sang ngân sách dựa trên đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các can thiệp liên quan đến khí hậu của các bộ, địa phương.
Điều này góp phần vào việc thực hiện thành công các cam kết quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như xác định nhu cầu về đầu tư cho biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả, thiết lập cơ sở để huy động và đa dạng hóa các nguồn lực trong nước và quốc tế cho biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
300 cây đước được trồng ven đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm trong Lễ trồng cây rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Khánh Hòa, tháng 12/2021. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh rằng các phân tích trong báo cáo CPEIR có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho việc xây dựng và điều chỉnh chính sách nhằm huy động vốn từ các nguồn khác nhau và thúc đẩy các can thiệp liên quan đến khí hậu.
“Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam và người dân đã và đang tăng cường phân bổ nguồn lực và chi tiêu ngày càng tăng cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy việc điều này mới chỉ đáp ứng được một phần và cần có sự hỗ trợ của quốc tế và khối tư nhân.
Do nguồn lực hạn hẹp nên việc lập kế hoạch và sử dụng sẽ phải gắn chặt với những ưu tiên đã được xác định để đảm bảo đạt được các kết quả tốt nhất trong ứng phó với biến đổi khí hậu,” bà Caitlin chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những thách thức và cơ hội huy động các nguồn lực tài chính mới, các giải pháp phân bổ và chi tiêu ngân sách hiệu quả, giám sát kết quả phân bổ ngân sách cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Tác giả: Ngọc Quỳnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy