Dòng sự kiện:
Việt Nam đối mặt tổ hợp thiên tai nguy hiểm trong 10 ngày tới
10/10/2021 05:39:22
Sau bão số 7, trên Biển Đông có khả năng liên tiếp xuất hiện các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, kết hợp không khí lạnh ở phía Bắc tạo ra tổ hợp thiên tai nguy hiểm.

Chiều 9/10, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai ứng phó bão số 7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong 10 ngày tới, nước ta phải đối mặt với tổ hợp thời tiết bất thường bao gồm các cơn bão số 7, số 8, áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh liên hoàn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lên khung kịch bản ứng phó cho 10 ngày tới để người dân và chính quyền địa phương có sự chuẩn bị dài hơi hơn.

Theo ông Hoan, bão số 7 đặt ra 3 vấn đề lớn cần lưu ý, đó là đối phó với mưa lũ, phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn cho dòng người hồi hương từ phía Nam đang di chuyển về các tỉnh phía Bắc.

Cả 3 yếu tố này chồng lên nhau ở một thời điểm khiến cho rủi ro ở bất cứ tình huống nào cũng sẽ mang lại thiệt hại lớn. Tôi đề nghị chính quyền các địa phương  lưu ý cả 3 vấn đề này, đặc biệt là vấn đề dòng người đổ về quê, làm sao có thông tin kịp thời cho bà con, tránh tạo ra áp lực và rủi ro đột biến”, ông Hoàn nói.

Ngoài ra, chính quyền địa phương khi định vị các điểm cách ly tập trung cho F0, F1 cũng phải lưu ý để ứng phó với diễn biến của bão lũ và chủ động hơn.

Ông Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi họp chiều 9/10.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thời tiết 10 ngày tới sẽ rất bất thường, đặc biệt ở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ: “Ở đây rõ ràng chúng ta cần có kịch bản dài hơi hơn trong 10 ngày để đảm bảo sản xuất, đời sống nhân dân và phòng chống các hình thái thiên tai”.

Ông Hiệp cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên sẽ có văn bản gửi các địa phương, các tỉnh trọng điểm có người di dân về để thông báo tình hình thời tiết rất nguy hiểm 10 ngày tới.

Chúng tôi cũng sẽ đề nghị các tỉnh dọc quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh trở ra phải tính các nơi tránh trú cố định cho bà con. Trong trường hợp không có điểm tránh trú cố định thì chuẩn bị lều bạt để có điểm tránh trú di động, hỗ trợ người dân di chuyển từ phía Nam ra”, ông Hiệp cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân về đồ ăn, thức uống cũng như các vật dụng thiết yếu để họ di chuyển an toàn nhất trong 10 ngày tới.

Đối với các địa phương có nhiều ca COVID-19 chịu ảnh hưởng của mưa bão, Ban Chỉ đạo có kịch bản để các khu di dân trong thiên tại phải xa các khu cách ly F0 hiện tại: "Quan điểm là hạn chế di dân và chỉ di dân khi có lệnh từ Trung ương. Trong di dân, chủ yếu là di dân và đảm bảo an toàn tại chỗ, làng ở làng, xã ở xã, tránh tập trung quá đông người".

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chiều tối và đêm nay, bão số 7 suy yếu thành áp thấp trước khi vào đất liền trong ngày mai. Dù vậy, ảnh hưởng của bão vẫn gây gió mạnh trên biển, mạnh nhất là trong đêm nay và ngày mai ở mức cấp 8, giật cấp 9. Khu vực đất liền có mức gió mạnh nhất giật cấp 6.

Điểm đáng chú ý là bão số 7 sẽ kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn cho các tỉnh miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ. Lượng mưa phổ biến từ 100 đến 150 mm, mưa kéo dài trong nhiều ngày nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, ngay sau bão số 7, miền Trung sẽ liên tiếp phải đối mặt với các tổ hợp thiên tai nguy hiểm, trong đó bão số 8 sẽ ảnh hưởng vào ngày 13 và 14/10; đây là một cơn bão mạnh.

Đến ngày 17/10 sẽ xuất hiện thêm nhiễu động với 60% khả năng mạnh lên thành bão và áp thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Tác giả: Xuân Trường

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến