Dòng sự kiện:
Việt Nam đông dân thứ 15 thế giới, đối diện nguy cơ thiếu bé gái
18/12/2020 16:02:22
'Việt Nam có tỷ lệ giới tính khi sinh cao thứ ba trên thế giới và ước tính dựa trên tình hình hiện tại, Việt Nam có thể sẽ thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ sơ sinh gái mỗi năm'.

Các đại biểu dự Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu-Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. (Ảnh: Vietnam+)

“Tổng số dân của Việt Nam là 96,2 triệu người, trong đó nam xấp xỉ 47,9 triệu người, chiếm 49,8% và nữ là 48,3 triệu người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau một thập kỷ qua, quy mô dân số Việt Nam đã tăng thêm 10,4 triệu người với tỷ lệ tăng dân số bình quân 1,14%/năm và giảm nhẹ so với mức tăng 1,18%/năm của giai đoạn trước (1999-2009).”

Nội dung trên được bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin tại Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu-Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, ngày 18/12, tại Hà Nội.

Bà Hương cho biết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ năm ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Những thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam sẽ phục vụ cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững.

Tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong 40 năm

Theo báo cáo này, cả nước hiện có 26,87 triệu hộ dân cư và tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm năm 2009. Như vậy, tỷ lệ tăng bình quân số hộ dân cư tương ứng 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999-2009 và là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua.

Về cấu trúc dân số, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê lưu ý vấn đề về giới tính, khi mà tỷ số đang là 99,1 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ. Hơn thế nữa, tỷ số giới tính có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, tuổi càng cao tỷ số giới tính càng thấp, cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi (110,3 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (48,6 nam/100 nữ).

Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối, cả nước có 9,1% phụ nữ (trong độ tuổi từ 20-24) kết hôn lần đầu trước 18 tuổi. Đặc biệt, khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ “tảo hôn” cao nhất cả nước, lần lượt là 21,5% và 18,1%. Nhìn chung, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%, trong đó tỷ lệ có vợ/có chồng là 69,2% dân số. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt hiện nay là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi).

Theo báo cáo, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con là phổ biến. Điều này dẫn đến tổng tỷ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ và đạt dưới mức sinh thay thế. Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của người dân là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi và nữ giới là 76,3 tuổi. Như vậy, kể từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng liên tục từ 65,2 tuổi (năm 1989) lên 73,6 tuổi (năm 2019).

Kịp thời chuyển hướng công tác dân số

Tại hội nghị, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quý dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá kết quả Tổng điều tra 2019 khẳng định rằng tỷ suất sinh của Việt Nam ổn định và ở dưới mức sinh thay thế một chút, hiện tại là 2,09 con/phụ nữ.

Điều này cho thấy sự xem xét kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển hướng công tác dân số, từ dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Theo bà Naomi Kitahara, Quỹ dân số Liên hợp quốc khuyến nghị Việt Nam triển khai các biện pháp về mặt pháp lý và chính sách tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc đề ra tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, nghĩa là mỗi cá nhân và cặp vợ chồng có thể tự do lựa chọn và có trách nhiệm về số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh.

“Chúng tôi mong muốn người dân hãy quan tâm đến tỷ suất sinh đặc trưng của nhóm nữ tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi, hiện là 11 con/1.000 phụ nữ. Điều này cho thấy Việt Nam phải tăng cường đầu tư để có thể đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm trẻ vị thành niên, đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên, đảm bảo các em được tiếp cận tới các dịch vụ này để đưa ra các quyết định của mình,” bà Naomi nói.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Vietnam+)

Về vấn đề già hóa dân số, tiến sỹ Giang Thanh Long, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng kết quả Tổng điều tra cho thấy dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Cụ thể, cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86 % tổng dân số và chỉ số già hóa tăng từ 35,9 % (năm 2009) lên 48,8 % (năm 2019). Trong đó nhấn mạnh một xu hướng mới về “nữ hóa” dân số cao tuổi, có nghĩa là đa số người cao tuổi là phụ nữ. Thêm vào đó, ngày càng nhiều người cao tuổi sống một mình và điều này cũng là vấn đề cần nhận được sự quan tâm của cả xã hội.

Theo bà Naomi Kitahara, trước đây, Việt Nam đã triển khai chương trình điều chỉnh và hạn chế mức sinh, điều này dẫn đến quá trình già hóa dân số nhanh. Ngoài ra, Việt Nam có tỷ lệ giới tính khi sinh cao thứ ba trên thế giới và ước tính dựa trên tình hình hiện tại, dẫn đến có thể sẽ thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.

“Việc lựa chọn giới tính thai nhi chủ yếu xuất phát từ tâm lý ưa thích con trai đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Lựa chọn giới tính trên cơ sở giới là hành vi cần phải ngăn chặn xét từ góc độ quyền con người và bình đẳng giới. Không chỉ vậy, mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh cũng sẽ sớm ảnh hưởng đến tình trạng hôn nhân mà các nhà nhân khẩu học gọi là hiện tượng ‘sức ép hôn nhân’ đồng thời kéo theo mức sinh giảm sâu hơn nữa," bà Naomi phân tích.

"Bởi vậy, Việt Nam cần huy động những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa nhằm hướng đến phòng, chống thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở giới, coi trọng giá trị của trẻ em gái và thúc đẩy bình đẳng giới nói chung,” bà Naomi khuyến nghị.

Đánh giá chung, bà Hương nhấn mạnh 10 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm và điều kiện sống của người dân.

“Quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em ngày càng được đảm bảo, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh và tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh. Sức khỏe của người dân đặc biệt là sức khỏe của bà mẹ và trẻ em được tăng cường,’ bà Hương nhấn mạnh.

Tác giả: Hạnh Nguyễn

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến