Như VnEconomy đã đưa tin, quãng thời gian gần đây, các nhận định tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục được tung ra bởi các tổ chức quốc tế. Và thực tế cũng cho thấy, Việt Nam đang là điểm sáng hút vốn tháng 4 của khu vực Châu Á.
Dòng tiền rút khỏi Châu Á
Trong tháng 4/2021, cổ phiếu vẫn hút dòng tiền toàn cầu nhưng sức nóng đã giảm bớt rất nhiều so với 3 tháng trước đó. Cụ thể, các quỹ cổ phiếu có thêm 66,3 tỷ USD vốn vào, giảm 55% so với tháng trước. Trong đó, vốn vào thị trường phát triển là 63 tỷ USD ( giảm 50% so với tháng trước); các thị trường mới nổi chỉ là 3,3 tỷ USD (giảm 85% so với tháng trước) và là lượng vốn vào ít nhất trong 7 tháng gần đây.
Chiếm tới 92% tiền mới đổ vào các thị trường phát triển là các quỹ cổ phiếu ETF. Các quỹ đầu tư đa quốc gia cũng đã trở thành tâm điểm hút vốn thay cho thị trường Mỹ. Có 27,3 tỷ USD vốn vào thị trường Mỹ trong tháng 4, giảm 63% so với tháng trước và thấp hơn lượng vốn vào các quỹ đầu tư đa quốc gia (31,2 tỷ USD).
Theo Công ty Chứng khoán SSI, câu chuyện hồi phục kinh tế hình chữ V sau đại dịch vẫn tạo ra sức hấp dẫn đối với cổ phiếu Mỹ nhưng áp lực từ kế hoạch tăng thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 21% lên 28%) của Tổng thống Joe Biden đã hạ nhiệt dòng vốn vào thị trường này.
Dòng vốn vào các tài sản đầu tư truyền thống từ 2020 đến nay. Nguồn: EPFR Global
Đáng chú ý, do dịch bệnh bùng phát trở lại ở khu vực Châu Á đã khiến xu hướng suy yếu của dòng tiền vào khu vực này tiếp diễn trong tháng 4 với 750 triệu USD rút ròng.
Như vậy, cổ phiếu các thị trường mới nổi Châu Á bị rút ròng tháng đầu tiên sau 7 tháng liên tiếp có tiền vào trước đó.
Dòng vốn vào Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh từ 4,8 tỷ USD (tháng 3/2021) xuống 319 triệu USD (tháng 4/2021), các thị trường mới nổi Châu Á còn lại đều bị rút ròng trong đó nhiều nhất là Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan.
Hiện tại, áp lực tăng lãi suất đang là rủi ro lớn nhất tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu. Theo khảo sát tháng 4 của Bank of America Merrill Lynch, có tới 93% các nhà quản lý quỹ cho rằng lạm phát toàn cầu sẽ tăng lên trong năm 2022 – mức cao nhất kể từ 2004 đến nay. Lạm phát có thể sẽ buộc các ngân hàng trung ương kết thúc sớm chương trình nới lỏng của mình.
Trong tháng 4 vừa qua, nột số nước như Nga, Ukraina đã phải tăng lãi suất điều hành trong tháng vừa qua và lần tăng thứ 2 kể từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, tại phiên họp tháng 4, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn duy trì quan điểm nới lỏng tiền tệ và tốc độ mua vào trái phiếu 120 tỷ USD/tháng nên dòng đầu tư trái phiếu không có nhiều biến động, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ giảm nhẹ trong tháng. Tuy nhiên, các phát biểu mới đây của Bộ trường Tài chính Mỹ về sự cần thiết tăng lãi suất có thể tác động mạnh mẽ tới dòng tiền tháng 5.
Tháng 4, Việt Nam hút ròng 8.700 tỷ đồng qua 10 quỹ ETFT
Trái với xu hướng khu vực, thống kê của SSI lại cho thấy, dòng vốn ETF đổ vào Việt Nam ghi nhận giá trị kỷ lục trong tháng 4 với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD. Con số này tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng và được tính trên 10 quỹ ETF lớn.
Trong đó, chủ yếu là nhờ quỹ Fubon FTSE Vietnam mới được thành lập trong tháng, đóng góp 7.800 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều quỹ ETF khác duy trì dòng tiền tích cực như VFM VNDiamond với 612 tỷ đồng; VanEck Vectors Vietnam với 196 tỷ đồng; SSIAM FINLead với 180 tỷ đồng và FTSE Vietnam với 75 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã hút ròng tổng cộng 13.200 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, quỹ VFM VN30 ETF tiếp tục bị rút ròng 111 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị rút không đáng kể và đã giảm mạnh so với 2 tháng trước đó nên đây cũng là tín hiệu tích cực hơn.
Các quỹ chủ động có tháng thứ 8 liên tiếp rút ròng vốn nhưng mức rút ròng tháng 4 chỉ là 41 triệu USD, đã giảm 54% so với tháng trước và rất nhỏ bé so với lượng vốn ETF vào nên thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận một tháng có vốn vào kỷ lục (cao hơn cả vốn vào thị trường Trung Quốc).
Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu chuyển trạng thái sang mua ròng 273 tỷ đồng sau 6 tháng liên tiếp xả ròng. Dù kết quả này được đóng góp bởi giao dịch thỏa thuận VHM ngày 9/4 nhưng khối ngoại cũng đã chuyển sang mua ròng trong các ngày giao dịch cuối tháng 4.
Nhóm nghiên cứu tại SSI cho biết, với tổng tài sản 8.200 tỷ đồng và trở thành quỹ ETF lớn thứ 5 tại Việt Nam, quỹ Fubon đã đạt giá trị tài sản mục tiêu trước khi IPO.
"Dòng tiền vào quỹ có thể chậm lại sau giai đoạn IPO, tuy nhiên chúng tôi vẫn kỳ vọng xu hướng dòng tiền tốt sẽ được duy trì không chỉ ở quỹ Fubon và cả các ETF khác. Do đó, dòng vốn nước ngoài vào cổ phiếu Việt Nam trong tháng 5 có thể không mạnh như tháng 4 nhưng sẽ vẫn duy trì tích cực", SSI dự báo.
Tác giả: Thủy Tiên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy