Ngày 25/11 tại thủ đô Vientiane, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương Lào tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Lào 2022.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Somvixay Vongthilath, Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương Lào, cho biết diễn đàn là dịp để lắng nghe doanh nghiệp hai nước chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, đề đạt những mong muốn đối với cơ quan quản lý nhà nước và chia sẻ kinh nghiệm thành công trong hoạt động kinh doanh; đồng thời nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hoạt động thương mại, hợp tác điện năng giữa Việt Nam-Lào trong thời gian qua, cũng như những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cần tháo gỡ.
Bên cạnh đó, diễn đàn cũng đánh giá hiệu quả các khuôn khổ hợp tác hiện có giữa hai nước, các lĩnh vực cần tập trung để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của hai nước, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu, kể cả xuất khẩu sang nước thứ ba.
Trong phát biểu, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương Việt Nam, đã điểm lại một số thành tựu nổi bật mà hai nước đạt được như: cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước có sự chuyển dịch theo hướng ổn định, bền vững; hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước phát triển tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống xã hội, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho cư dân biên giới; hợp tác mua bán điện giữa hai nước cũng đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ giúp Lào phát triển kinh tế, mà còn cung cấp nguồn năng lượng cho nền kinh tế Việt Nam.
Về đầu tư, Lào là quốc gia đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, tài chính, viễn thông, chế biến chế tạo.
Ông Đỗ Quốc Hưng nhấn mạnh hiện quy mô kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng từ mức 823,4 triệu USD vào năm 2016 lên 1,37 tỷ USD vào năm 2021. Tốc độ tăng trưởng thương mại bình quân đạt trên 10%/năm. Đặc biệt, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào đạt 1,4 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2021. Kỳ vọng với tốc độ tăng trưởng này, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt 2 tỷ USD trong thời gian tới.
Diễn đàn cũng lắng nghe tham luận của các diễn giả về chủ đề thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực thương mại; hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quản lý thị trường; hợp tác phát triển điện năng giữa hai nước.
Trên tinh thần hướng tới mục tiêu phát triển quan hệ thương mại Việt Nam-Lào phát triển ổn định, bền vững, hai bên đã tập trung, trao đổi thẳng thắn, đồng thời nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hoạt động thương mại, hợp tác điện năng giữa Việt Nam-Lào trong thời gian vừa qua cũng như những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cần tháo gỡ.
Đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, nêu lên 3 kiến nghị, theo đó kiến nghị Bộ Công Thương Lào cần có các chính sách bảo hộ hàng sản xuất trong nước cũng như chính sách bảo hộ các doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.
Hiện nay, 100% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam-Lào chủ yếu thông qua đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường bộ thuộc địa phận Lào đến các cửa khẩu của Việt Nam đã xuống cấp, có nhiều đoạn đường nhỏ hẹp... dẫn đến mất rất nhiều thời gian trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa hai nước. Do đó, ông Nguyễn Xuân Hà kiến nghị hai chính phủ Lào và Việt Nam nói chung và Bộ Giao thông vận tải Lào nói riêng sớm triển khai nâng cấp tuyến đường bộ kết nối giao thông Việt Nam-Lào đoạn thuộc địa phận Lào.
Ông Nguyễn Xuân Hà cũng kiến nghị chính phủ hai nước Việt Nam-Lào sớm triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Vientaine để nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Tại diễn đàn, hai bên cũng thảo luận cách thức tạo thêm lực hút và huy động khả năng tham gia của doanh nghiệp hai nước trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và trong các lĩnh vực cụ thể như hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối bán lẻ, hướng phát triển công nghiệp chế biến nhằm hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước sớm đạt 2 tỷ USD trong thời gian tới./.
Tác giả: Phạm Kiên-Bá Thành
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy