Dòng sự kiện:
Việt Nam sẽ mở rộng nghiên cứu thí nghiệm vắcxin phòng tả lợn châu Phi
05/07/2019 08:15:12
Ngoài vắcxin đang được thí nghiệm, việc dùng chế phẩm vi sinh tăng sức đề kháng cho lợn cũng đạt hiệu quả tốt.

Tại cuộc họp giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương chiều 4/7, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tuần tới Bộ sẽ đưa ra hướng dẫn mới về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ trưởng Cường, hiện cả nước đã tiêu hủy 2,8 triệu con lợn nhiễm bệnh và việc kiểm soát dịch còn gặp nhiều khó khăn. "Nuôi lợn chiếm 9% tổng giá trị của toàn ngành nông nghiệp, trong khi dịch tả đã gây thiệt hại 10% tổng đàn lợn, ảnh hưởng rất lớn đến ngành và sinh kế của 2,4 triệu nông dân", ông Cường nói.

Lực lượng chức năng ở Hà Nội diễn tập ứng phó với dịch tả. Ảnh: Ngọc Thành.

Tuy nhiên, theo ông Cường, trong sự lo ngại ấy, có tín hiệu đáng mừng là đến nay 659 xã của hơn 300 huyện và 40 tỉnh sau 30 ngày không còn dịch trở lại.

Ngoài ra, sau 4 tháng tập trung phối hợp nghiên cứu giữa nhà nước, nhà khoa học và người chăn nuôi, đã có hai trung tâm của Việt Nam tìm ra được phương pháp chế văcxin phòng tả lợn châu Phi; qua thí nghiệm trên các lô lợn 6-8 con có khoảng 80% chứng minh văcxin có tác dụng.

"Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng thí nghiệm. Từ văcxin trong phòng thí nghiệm ra đến văcxin thương mại còn một quá trình dài nhưng chúng ta có quyền hy vọng", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo ông Cường, việc dùng các chế phẩm vi sinh tăng sức đề kháng của lợn đang cho hiệu quả tốt. Tại Thừa Thiên Huế có những đàn lợn 1.200 con sau khi dùng chế phẩm đã không mắc dịch, trong khi các khu lân cận đều có dịch.

Trước đó ngày 2/7, GS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu mạnh về vắcxin của Học viện đã phân lập được tế bào PAM để sản xuất vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi. Vắcxin an toàn với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm (83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên). GS Lan đề xuất thực hiện các nghiên cứu tiếp theo với mẫu lớn hơn, trên diện rộng.

Ngày 3/7, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các đơn vị liên quan đang hoàn thiện nhanh thủ tục để triển khai dự án sản xuất vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi. Dự án đã được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ký quyết định phê duyệt danh mục ngày 19/6 thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến