Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) về tình hình khai thác vận tải hàng không nội địa và quốc tế.
Dừng bay Nga vì lý do bất khả kháng
Theo Cục HKVN, đến thời điểm hiện tại, ngoài các thị trường đã được khai thác thường lệ trong tháng 1/2022 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc) thì các đường bay đến Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Nga được khai thác với tần suất tăng dần theo lộ trình ngay trong tháng 2 và triển khai tới các hãng hàng không việc mở cửa hoàn toàn sau ngày 15/3.
Hiện tại, đường bay đến Nga tạm dừng khai thác từ ngày 25/3. Lý giải về việc này, Cục HKVN cho biết: "Việc Vietnam Airlines tạm dừng khai thác đường bay đến Nga là lý do bất khả kháng để tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Cục báo cáo Bộ GTVT đề nghị có văn bản gửi Bộ GTVT Nga cũng như đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo các cơ quan liên quan của Nga về lý do Vietnam Airlines tạm dừng khai thác đường bay.
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết đã có văn bản gửi Nhà chức trách hàng không Nga để thông báo cụ thể về nội dung này và sẵn sàng cấp phép khai thác cho các hãng hàng không Nga khai thác đến Việt Nam khi có đề nghị.
Vietnam Airlines dừng khai thác đường bay đi Nga từ ngày 25/3 (Ảnh: VNA).
Tính đến tháng 3/2022 thị trường hàng không quốc tế có 23 hãng hãng không nước ngoài và Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways) khai thác đi/đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo Cục HKVN, so với giai đoạn năm 2019 (trước dịch Covid-19), còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay thường lệ đi, đến Việt Nam gồm Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Macao, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ. Các hãng hàng không khai thác 67 đường bay đi/đến Việt Nam, chủ yếu là khai thác đi/đến 2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đường bay Việt Nam - Nhật Bản đông khách nhất
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn sau mở cửa từ ngày 15-21/3, Singapore là hãng hàng không khai thác với tần suất lớn nhất 45 chuyến khứ hồi/tuần tăng 2 chuyến so với tuần trước khi mở cửa du lịch và đạt 36% so với cùng kỳ năm 2019; số khách vận chuyển giữa Việt Nam và Nhật Bản cao nhất 10.300 khách trong số các quốc gia hiện đang khai thác.
Từ tháng 4 tới đây sẽ có thêm các đường bay từ Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đến Đà Nẵng. Dự kiến trong quý I, hành khách quốc tế thông qua đạt 321.000 khách, tăng 176,2% so với cùng kỳ 2021; hàng hóa quốc tế thông qua đạt 292.000 tấn, tăng 21,1% so với cùng kỳ 2021.
Hành khách tại sân bay Nội Bài (Ảnh: NIA).
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 141.600 khách quốc tế, tăng 441% so với cùng kỳ 2021; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 38.000 tấn, tăng 113,9% so với cùng kỳ 2021. Thị phần vận chuyển hành khách quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam trong quý I đạt 44%; vận chuyển hàng hóa đạt 13%.
Theo Cục HKVN, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 đã tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động vận tải hàng khách quốc tế được thông suốt và vận tải hàng khách nội địa được phục hồi, góp phần tăng sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế trong quý I/2022. Tuy nhiên, ngành hàng không hiện gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, điều này cũng tạo áp lực tăng chi phí cho các hãng hàng không khai thác vận chuyển hàng không.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy