Các bác sỹ quân y Việt Nam giương cao hai lá cờ của Liên hợp quốc và Việt Nam tại sân bay quốc tế Juba, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN phát)
70 năm qua, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, chấm dứt xung đột, xây dựng hòa bình bền vững tại hàng chục quốc gia.
Việc tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Ngày 1/10 vừa qua, sự kiện Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tới Phái bộ gìn giữ hòa bình Nam Sudan đã đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cộng đồng và truyền thông quốc tế.
Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nhân đạo
Sau gần 5 năm triển khai, đến nay Việt Nam đã có 27 lượt sỹ quan quân đội tham gia làm nhiệm vụ sỹ quan liên lạc, sỹ quan tham mưu, sỹ quan quan sát viên quân sự, sỹ quan phân tích thông tin tình báo, sỹ quan theo dõi các hoạt động quân sự tại Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, trong đó có một nữ sỹ quan.
Ngày 1/10 vừa qua, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam với hơn 60 cán bộ y, bác sỹ đã chính thức xuất quân lên đường tới Phái bộ Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ của các chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi sau 27 lượt sỹ quan được cử đi ở các vị trí cá nhân, đây là lần đầu tiên Việt Nam cử đội hình cấp đơn vị thực hiện nhiệm vụ với sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện trách nhiệm và đóng góp lớn hơn của Việt Nam với Liên hợp quốc, đóng góp vào các nỗ lực chung vì mục tiêu hòa bình, ổn định trên thế giới.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị xây dựng đơn vị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam, Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng cho biết việc triển khai được thực hiện theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, từ tháng 11/2014, nhằm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về việc Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện vai trò là một quốc gia thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Việc tuyển chọn, đào tạo sỹ quan tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khá khó khăn, trải qua quá trình huấn luyện dài ở cả trong và ngoài nước theo tiêu chuẩn bắt buộc của Liên hợp quốc. Để chuẩn bị nhân sự cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã đối mặt với những áp lực không nhỏ.
Đại tá Hoàng Kim Phụng chia sẻ Cục đã nhận được quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, thủ trưởng các cấp và các đơn vị có liên quan để lựa chọn trong toàn quân những đồng chí có năng lực về đối ngoại, khả năng tiếng Anh, về hoạt động trong một môi trường đa quốc gia, bên cạnh đó phải có sức khỏe tốt để sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ ở một vùng đất rất khắc nghiệt; bởi ngoài việc đảm bảo về chuyên môn, các sỹ quan quân y sẽ phải làm việc trong môi trường không được đảm bảo hoàn toàn về an ninh, dễ nảy sinh bất ổn.
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 xuất phát đợt 2 sang Nam Sudan. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Đại tá Hoàng Kim Phụng khẳng định trong những năm qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức các lớp đào tạo, trau dồi kiến thức tiếng Anh cho tất cả đội ngũ y bác sỹ, hướng đến yêu cầu toàn bộ đội ngũ y bác sỹ có thể trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bằng tiếng Anh, từ việc khám chữa bệnh, trao đổi được với bệnh nhân, kê đơn thuốc, báo cáo lên các sở chỉ huy các cấp. Đây là điểm khác biệt lớn so với thực hiện các hoạt động ở trong nước.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam khi tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được triển khai tới Bentiu, Nam Sudan. Cộng hòa Nam Sudan là một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất, do ảnh hưởng của xung đột vũ trang dai dẳng suốt 5 năm qua. Một đất nước gần 13 triệu dân, nhưng có hơn 4 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa, đi sơ tán; trên 2 triệu người phải lánh nạn đến các nước láng giềng; khoảng 1,9 triệu người tị nạn trong nước phải phụ thuộc vào sự bảo vệ và giúp đỡ của Liên hợp quốc; 5,1 triệu người phải đối mặt với nạn đói; hơn 19.000 trẻ em bị lôi kéo, gia nhập vào các nhóm vũ trang; 1,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Khi làm việc tại Nam Sudan, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sẽ đảm bảo việc khám chữa bệnh cho khoảng hơn 2.000 quân nhân đang làm việc trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các nước; đồng thời kết hợp bảo đảm y tế cho người dân địa phương trong các tình huống khẩn cấp như cấp cứu, sinh nở... Mọi hoạt động sẽ được thực hiện trong các khu lều bạt. Nước sạch là yếu tố quan trọng nhất cần phải đảm bảo cho Bệnh viện dã chiến. Do tình hình sốt rét ở đây khá nghiêm trọng, thuốc chống muỗi cũng rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho các sỹ quan thực hiện nhiệm vụ cũng như người dân địa phương.
Chia sẻ về vấn đề này, Đại tá Hoàng Kim Phụng cho biết Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chữa bệnh cho các lực lượng của Liên hợp quốc, lực lượng của các cơ quan đại diện, các đại sứ quán. Nhưng bên cạnh đó, một nhiệm vụ cũng rất quan trọng, mang tính nhân đạo cao là hỗ trợ thêm cho người dân Nam Sudan trong những trường hợp khẩn cấp. Trải qua quá trình huấn luyện gần 4 năm và qua 2 lần sát hạch của Liên hợp quốc, Bệnh viện đều được đánh giá là có đủ năng lực, bác sỹ Việt Nam có tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động khám chữa bệnh.
Bước tiến trong sự đóng góp liên tục của Việt Nam về gìn giữ hòa bình
Sự hiện diện của Bệnh viện dã chiến Việt Nam trong đội hình của Liên hợp quốc đã nhận được sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Trang web chính thức của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc https://peacekeeping.un.org nhận định sự hiện diện của các sỹ quan Việt Nam tại Nam Sudan là bước tiến lịch sử và được Liên hợp quốc cũng như Phái bộ gìn giữ hòa bình tại quốc gia châu Phi này nhiệt liệt hoan nghênh.
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 trong máy bay C17 của Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia chuẩn bị lên đường sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Mặc dù Bentiu - nơi triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên của Việt Nam - còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng các sỹ quan Việt Nam đều được tin tưởng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tờ The Strategist của Australia cho rằng không chỉ thể hiện vai trò lớn hơn của Việt Nam trên trường quốc tế, sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan lần này là dịp tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa quân đội và Chính phủ Việt Nam-Australia. Sứ mệnh dù không dễ dàng nhưng đó là cơ hội chứng minh khả năng của Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao tại những điểm nóng trên toàn cầu.
Tờ The Diplomat nhận định việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên tại Nam Sudan là bước tiến quan trọng trong sự đóng góp liên tục của Việt Nam đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế.
Một khía cạnh được The Diplomat đề cập là bình đẳng giới theo đó sứ mệnh lần này của Việt Nam được thực hiện với 17% nhân sự là nữ, phù hợp với ưu tiên của Liên hợp quốc về bình đẳng giới. Việc triển khai Bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan là minh chứng cho sự tham gia ngày càng sâu của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đại tá Hoàng Kim Phụng nhấn mạnh trong suốt thời gian Việt Nam cử lực lượng tham gia ở các vị trí cá nhân, lãnh đạo Liên hợp quốc cũng như lãnh đạo các Phái bộ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi đều đánh giá sỹ quan Việt Nam có khả năng thích ứng cao, tính chuyên nghiệp, khả năng giải quyết các vấn đề mang tính tác chiến ngoài địa bàn nhanh nhạy, kịp thời; phẩm chất chính trị được bạn bè quốc tế và lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam có lịch sử, truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Đại tá Hoàng Kim Phụng cho rằng đây là một yếu tố quan trọng, góp phần vào quá trình đúc kết kinh nghiệm của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Với vai trò là những người góp phần tham gia kiến tạo và duy trì nền hòa bình của những đất nước còn khó khăn sau chiến tranh, lực lượng gìn giữ hòa bình đã đóng góp không nhỏ vào việc Việt Nam ngày càng nhận được nhiều hơn sự công nhận về vị thế, sự ủng hộ trên trường quốc tế.
Đại tá Hoàng Kim Phụng bày tỏ tin tưởng các sỹ quan Việt Nam thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và xứng đáng với sự mong mỏi của Phái bộ Liên hợp quốc, với niềm tin, sự gửi gắm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương, để một lần nữa khẳng định thêm vai trò, trách nhiệm của Việt Nam với toàn cầu, làm rạng danh hình ảnh và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo TTXVN
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy