Dòng sự kiện:
Việt Nam và WB ký kết Hiệp định Tín dụng trị giá 507 triệu USD
10/07/2015 15:42:03
ANTT.VN - Ngày 9/7/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết 4 hiệp định tín dụng với tổng trị giá 507 triệu USD nhằm hỗ trợ ưu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm nghèo và phát triển hệ thống xe buýt nhanh.

Lễ ký được tiến hành tại Washington DC, nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tống bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ.

“Các văn bản được ký kết cho thấy quan hệ đối tác gần gũi giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, và chúng tôi mong sẽ được hợp tác toàn diện hơn nữa trong các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược của Việt nam,” bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.

Các khoản tín dụng được ký kết dành cho: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (238 triệu USD); bổ sung vốn cho Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (45 triệu USD); bổ sung vốn cho Dự án Giảm nghèo khu vực miền núi phía bắc giai đoạn 2 (100 triệu USD); và Dự án Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh (124 triệu USD).

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững giúp chính phủ đổi mới ngành nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa gạo và cà phê. Dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 140.000 hộ nông dân vùng đồng bằng sông Cửu long qua việc cải thiện phương pháp canh tác, đầu tư vào hạ tầng chế biến và liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp. Dự án cũng hỗ trợ khoảng 62.000 hộ nông dân trồng cà phê gồm 250.000 nhân khẩu tại Tây nguyên.

“Tăng trưởng nông nghiệp bền vững đòi hỏi phải tái cơ cấu sản xuất và tổ chức chuỗi cung ứng, qua đó cải thiện sinh kế cho các nông dân sản xuất nhỏ và gia đình họ,” ông Chris Jackson, Chuyên gia chính về phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới và là Trưởng nhóm dự án nói.

Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm nhắm tới mục tiêu nâng cao hiệu suất ngành chăn nuôi, giảm tác động môi trường của quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, và nâng cao an toàn trong chuổi cung ứng sản phẩm chăn nuôi. Dự án đã thu được kết quả ban đầu bằng việc áp dụng các phương pháp chăn nuôi mới dẫn đến giảm tỉ lệ chết và giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.

“Bổ sung nguồn tài trợ sẽ giúp mở rộng hoạt động của dự án và sang các vùng khác tại 12 tỉnh mục tiêu,” ông Võ Thanh Sơn, Chuyên gia phát triển nông thôn cao cấp của Ngân hàng Thế giới và là Trưởng nhóm dự án phát biểu.

Dự án Giảm nghèo khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2 hỗ trợ công cuộc giảm nghèo tại khu vực nghèo nhất của Việt Nam. Khoản vốn bổ sung sẽ giúp tiếp tục thực hiện và tăng cường các hoạt động giảm nghèo tại 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái; mở rộng hoạt động ra thêm một số huyện và xã; nhân rộng và tăng cường công tác qui hoạch phát triển địa phương có sự tham gia của người dân và thể chế hóa cách làm này trong các chương trình giảm nghèo cấp quốc gia của chính phủ; và thúc đẩy liên kết thị trường và sáng kiến của doanh nghiệp giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

“Dự án hoạt động tại các vùng có tỉ lệ nghèo cao nhất cả nước, nhiều người trong số đối tượng hưởng lợi của dự án là dân tộc thiểu số. Chúng tôi giúp chính phủ thực hiện mục tiêu giảm nghèo thông qua cách tiếp cận phát triển dựa vào cộng đồng. Hi vọng các thành công đạt được sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác tại Việt Nam, ,” bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chuyên gia cao cấp về kinh tế môi trường của Ngân hàng Thế giới và Trưởng nhóm dự án cho biết.

Dự án Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng một tuyến xe buýt nhanh dài 23 km với công suất 28,300 hành khách mỗi ngày. Dự án cũng sẽ giúp chính quyền thành phố chuẩn bị một mạng lưới giao thông 6 tuyến xe và tạo cơ sở xây dựng một hệ thống giao thông công cộng đồng bộ trong tương lai.

“Chính phủ đang quan tâm giải quyết các vấn đề giao thông hiện gây cản trở lên hiệu quả của các hoạt động kinh tế. Nâng cấp một tuyến giao thông chính tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cho cả nước thấy được tiềm năng của một hệ thống giao thông đô thị bền vững,” ông Arturo Ardila-Gomez, Chuyên gia kinh tế giao thông chính của Ngân hàng Thế giới và Trưởng nhóm dự án nói.

Phương Phương - Theo Worldbank.org

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến