Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) xin tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Theo quy định, doanh nghiệp niêm yết phải nộp báo cáo tài chính kiểm toán trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tức nộp chậm nhất vào ngày 31/3.
Vietnam Airlines lý giải mình là công ty có quy mô lớn hoạt động trên toàn cầu với 27 đơn vị trực thuộc (9 đơn vị trong nước và 18 chi nhánh nước ngoài) cùng 15 công ty con có quy mô vừa và lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Doanh nghiệp đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các hậu quả của đại dịch Covid-19, từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong điều kiện như vậy, công ty cần thêm thời gian cho việc đối chiếu báo cáo, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.
Đối với công ty mẹ, trong năm 2022, Vietnam Airlines đã thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc, tiến hành đóng mã số thuế tại các chi nhánh được sáp nhập nên công tác đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị bị kéo dài.
Trước đó, HoSE có văn bản gửi Vietnam Airlines lưu ý về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu HVN (Ảnh: Tiến Tuấn).
Trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hãng hàng không quốc gia đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận (có điều kiện) cho phép được giảm giá hàng hóa dịch vụ, giãn hoãn các khoản thanh toán.
"Do có các điều kiện thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng, Vietnam Airlines cần nhiều thời gian hơn để đối chiếu xác nhận công nợ đáp ứng chuẩn mực kiểm toán", Vietnam Airlines cho biết và xin được gia hạn công bố báo cáo tài chính năm 2022. Tuy nhiên, hãng bay không đưa ra thời gian cụ thể.
Thực tế, đây không phải là lần đầu hãng hàng không quốc gia xin hoãn công bố báo cáo tài chính. Năm 2020, Vietnam Airlines từng đề nghị được tạo điều kiện chậm nộp báo cáo tài chính 2019 vì dịch Covid-19 bùng phát và đang diễn biến phức tạp, đồng thời đề nghị được gia hạn nộp các báo cáo tài chính hàng quý và báo cáo tài chính soát xét bán niên trong năm 2020.
Sang năm 2021, Vietnam Airlines tiếp tục đề nghị được chậm nộp các báo cáo tài chính quý III, quý IV, soát xét bán niên và kiểm toán cả năm 2021.
Trước đó, HoSE đã cảnh báo Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu doanh nghiệp này. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm 10.453 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 âm 34.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng.
Trong khi đó, Nghị định 155/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 nêu rõ: "Cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".
Do vậy, HoSE nhắc nhở Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 có lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Tác giả: Văn Hưng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy