Vietnam Airlines (HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022. Theo đó, doanh thu của hãng quý IV đạt khoảng 19.500 tỷ đồng, tăng trên 10.000 tỷ đồng so với cùng năm 2021. Tuy nhiên, hãng hàng không quốc gia lại rơi vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khi lỗ gộp gần 830 tỷ đồng trong kỳ.
Chi phí tài chính của Vietnam Airlines gấp 3,6 lần cùng kỳ, lên hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá (540 tỷ) và lãi vay (370 tỷ).
Sau khi trừ đi các khoản chi phí này, hãng hàng không quốc gia lỗ ròng gần 2.700 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.
Cả năm 2022, tổng doanh thu của Vietnam Airlines đạt gần 71.000 tỷ đồng. Con số này tương đương trên 70% mức trước dịch năm 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất vẫn âm khoảng 10.091 tỷ đồng, tuy nhiên, mức lỗ này đã giảm 3.000 tỷ đồng so với năm 2021 và thấp hơn so với kế hoạch đề ra hồi giữa năm.
Đến hết 31/12/2022, Vietnam Airlines ghi nhận khoảng lỗ luỹ kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ của hãng âm khoảng 10.200 tỷ, trong khi đầu năm vẫn dương trên 500 tỷ. Quý IV cũng đã nối dài 12 quý liên tiếp hãng báo lỗ, đẩy cổ phiếu của Vietnam Airlines đến bờ vực hủy niêm yết.
Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết sau 12 quý liên tục thua lỗ. Ảnh: Hoàng Hà.
Ở bảng cân đối kế toán cho thấy áp lực thanh khoản ngắn hạn của hãng ngày càng lớn hơn. Cuối năm, hãng hàng không quốc gia nắm 12.300 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó có 3.400 tỷ đồng tiền mặt. Ở bên đối ứng, nợ ngắn hạn lên tới 53.000 tỷ đồng, trong đó nợ thuê tài chính ngắn hạn là 17.600 tỷ đồng.
Trước đó, HOSE cũng lưu ý tới khả năng hãng bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Trong báo cáo kiểm toán bán niên 2022, các kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam cũng lưu ý: “Khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê. Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty”.
Vietnam Airlines lý giải kết quả thua lỗ quý IV/2022 là do thị trường quốc tế phục hồi chậm, chi phí nhiên liệu tăng mạnh, xung đột Nga - Ukraine, các biến động về tỷ giá và lãi suất tăng.
Hiện, tổng công ty đã hoàn thành đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông, cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu. Hãng cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được phê duyệt.
Tác giả: Diệu Thanh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy