Dòng sự kiện:
Vinachem báo lãi kỷ lục nửa đầu năm, lần đầu vượt mốc 4.000 tỷ đồng
09/07/2022 17:05:42
Khoản lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 của Vinachem ghi nhận ở mức hơn 4.098 tỷ đồng - vượt xa con số 3.517 tỷ đồng của cả năm 2021.

Tại Hội nghị sơ kết mới diễn ra, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, Tập đoàn ghi nhận tổng doanh thu ước đạt 32.830 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn ước lãi 4.098 tỷ đồng.

Đặc biệt, các đơn vị thuộc Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương ước lãi 2.114 tỷ đồng, tăng hiệu quả 3.128 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Đạm Hà Bắc tăng hiệu quả 1.757 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; Đạm Ninh Bình tăng hiệu quả 1.196 tỷ đồng; DAP số 2 - Vinachem tăng hiệu quả 175 tỷ đồng.

Nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm toàn Tập đoàn ước đạt 1.185 tỷ đồng, bằng 72% so với kế hoạch năm 2022. Tiền lương bình quân 12,02 triệu đồng/người/tháng, bằng kế hoạch năm. Các doanh nghiệp thành viên bố trí đủ việc làm cho người lao động.

6 tháng đầu năm Tập đoàn đã sản xuất 1,6 triệu tấn phân bón các loại; 1,9 triệu lốp ô tô; hơn 2,7 triệu lốp xe máy; 131 nghìn tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hoá chất phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội. Xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2022 ước đạt 397,7 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu của 2 Công ty liên doanh mà Tập đoàn trực tiếp tham gia góp vốn ước 6 tháng đầu năm đạt 4.425 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Các Công ty liên kết như Bột giặt NET, Cao su Sao Vàng, XNK Hóa chất miền Nam có kết quả doanh thu, lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng trưởng ổn định.

Trong 6 tháng, HĐTV Tập đoàn đã chấp thuận chủ trương thực hiện đầu tư Dự án Mở rộng, nâng công suất Nhà máy lốp Radial lên 1 triệu lốp/năm của Công ty Cao su Đà Nẵng, chuyển bước đầu tư cho 4 dự án và bổ sung kế hoạch chuẩn bị đầu tư cho 2 dự án. Tổng Giám đốc Tập đoàn đã chấp thuận chuyển bước đầu tư cho 7 dự án và các đơn vị tự chuyển bước đầu tư cho 19 dự án.

Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Vinachem vẫn tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế thế giới, tác động của các chính sách.

Đặc biệt là tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ nửa cuối tháng 2 năm 2022 kéo dài đến nay tạo ra sức ép lớn làm cho giá dầu mỏ tăng cao, đẩy nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng lạm phát.

Cùng với tác động của tăng giá dầu dẫn đến giá hầu hết các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tại các đơn vị của Vinachem cũng tăng cao.

Có thể kể đến như lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất axit sunphuric, phân supe, phân DAP) tăng 85,3% từ 286 USD/tấn lên 540 USD/tấn; amoniac (nguyên liệu sản xuất phân DAP) tăng 36,8% từ 866 USD/tấn lên 1.185 USD/tấn; muối công nghiệp (sản xuất xút và HCl) tăng 43%, vải mành, than đen (nguyên liệu sản xuất sản phẩm cao su) tăng lần lượt 17% và 15%... so với giá bình quân năm 2021 làm tăng giá thành sản phẩm.

Về định hướng 6 tháng cuối năm, ông Phùng Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Vinachem cho biết, 6 tháng cuối năm là giai đoạn nước rút, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với kết quả của cả năm 2022, mà còn là nền tảng để thực hiện mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Do đó, trước dự báo về những yếu tố địa chính trị có thể diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Vinchem sẽ tiếp tục phải xây dựng được kế hoạch ứng phó linh hoạt trước những diễn biến về giá cả, vật tư đầu vào, lãi suất, tỉ giá.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến