Vinalines “nếm quả đắng” 65 tỷ đồng
14/10/2014 08:46:58
ANTT.VN - Theo quyết định của Toà án nhân dân TP Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc 65,2 tỷ đồng.

Sau hơn 8 tháng thụ lý đơn yêu cầu huỷ phán quyết của Hội đồng trọng tài mà Vinalines đệ trình, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã ra quyết định giữ nguyên phán quyết, theo đó Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc 65,2 tỉ đồng.

Vụ tranh chấp hợp đồng phức tạp này bắt đầu khi  nhà thầu Hàn Quốc SK Engineering & Construction (SK E&C) khởi kiện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với tư cách là chủ đầu tư Dự án Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Lý do mà nhà thầu này đưa ra là họ bị thiệt hại do Vinalines đơn phương chấm dứt hợp đồng Gói thầu 6b1 từ tháng 9/2012 khi vẫn còn thi công dang dở.

VIAC đã xem xét sơ mà SK E&C đệ trình ngày 4/1/2014, và ra phán quyết số 28/12 buộc Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc số tiền 47,93 tỷ đồng và phải chịu phí trọng tài 573 triệu đồng. Phán quyết này chưa được thực hiện, thì ngày 26/2/2014, VIAC tiếp tục “bồi” thêm đòn cho Vinalines khi ra quyết định 65 sửa chữa và giải thích phán quyết số 28/12. Theo đó, Hội đồng Trọng tài sửa đổi số tiền mà Vinalines phải bồi thường từ 47,93 tỷ đồng thành 65,261 tỷ đồng (bao gồm các khoản lãi phát sinh) và phải chịu 781 triệu đồng phí trọng tài.

Liên quan tới quyết định 65/VIAC, Vinalines cho rằng, việc Hội đồng Trọng tài đã tuyên án lần 2 là vi phạm nghiêm trọng của pháp luật, trong khi chỉ có quyền sửa lỗi chính tả, hoặc đính chính số liệu bị sai do đánh máy.

Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc 65,2 tỉ đồng

Không đồng thuận với phán quyết của VIAC có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, Vinalines đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu hủy phán quyết theo quy định của tại Luật Trọng tài thương mại và được Tòa án thụ lý vào ngày 7/3/2014.

Phía toà nhận định Hội đồng trọng tài và các bên đã tuân thủ đúng thủ tục tố tụng của Luật trọng tài thương mại, đúng với pháp luật Việt Nam. Do quy định không xem xét về nội dung vụ xét xử nên toà không được quyền đánh giá lại nhận định của Hội đồng trọng tài về nội dung, chứng cứ liên quan đến vụ tranh chấp. Hội đồng xét đơn cũng thấy rằng, Hội đồng trọng tài không có nghĩa vụ phải đưa các bên liên quan đến vụ việc vào quá trình xét xử. Các bên liên quan khác trong vụ tranh chấp này được hiểu như những bên làm chứng. Và nếu muốn, Vinalines hoặc nguyên đơn phải đề nghị mời những người này vào cuộc. Song cả nguyên đơn và bị đơn đã không thực hiện quyền này.

Điều quan trọng nhất tòa cho rằng ý kiến của Vinalines về việc Hội đồng trọng tài tuyên án hai lần là không đúng. Vinalines thì tố rằng, tại phán quyết lần thứ nhất (được ghi là chung thẩm), Vinalines bị tuyên phạt 47,93 tỉ đồng. Sau đó, Hội đồng trọng tài lại ra quyết định sửa chữa phán quyết, nâng số tiền này lên 65,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, Hội đồng xét đơn lại thấy rằng tại quyết định sửa chữa và giải thích phán quyết, Hội đồng trọng tài không giải quyết lại, không thay đổi các khoản tiền cho phía SK E&C mà chỉ sửa chữa lỗi số liệu tại một số chỗ trong phán quyết do nhầm lẫn con số thanh toán tạm ứng được khấu trừ (70 tỉ đồng thay vì 87 tỉ đồng tại phán quyết) và số tiền lệ phí trọng tài. Luật trọng tài cho phép việc sửa chữa số liệu.

Toà Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng quyết định của toà là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/10/2014. Các bên đều không có quyền khiếu nại, kháng cáo.

Thu Thủy (TH)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến