Dòng sự kiện:
Vinapaco lại xin cơ chế đặc thù cứu dự án bột giấy nghìn tỷ: Các chuyên gia nói gì?
27/09/2018 11:16:38
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tái cơ cấu các dự án phải tuân thủ đúng pháp luật, công khai, minh bạch theo thị trường.

Theo ông Tiến, trong chính sách cũng có những ưu đãi nhưng phải ưu đãi theo pháp luật và chỉ đối với một số ngành nghề trọng điểm.

Sau 3 lần liên tiếp rao bán không thành công khoản nợ khoảng 2.700 tỷ đồng cùng với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) mới đây tiếp tục muốn xin cơ chế đặc thù để giải cứu dự án vốn "đắp chiếu" suốt 15 năm qua.

(Nguồn: Vneconomy)

Tại Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2025 - 2030, Vinapaco đã nêu rõ thực trạng về việc phải "gồng gánh" dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Cụ thể, với mức giá khởi điểm 1.885 tỷ đồng, Vinapaco đã tổ chức bán đấu giá dự án trên 3 lần nhưng đều không thành công do không có nhà đầu tư nào tham gia.

Theo đó, Vinapaco đã đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xin chủ trương xin điều chỉnh mức giá khởi điểm để có thể tiếp tục bán đấu giá tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Bộ Công Thương từng cho hay, hiện chưa có văn bản pháp lý nào của Nhà nước hướng dẫn việc điều chỉnh khởi điểm để tiếp tục bán đấu giá trong trường hợp bán đấu giá lần đầu không thành. Ðây là điểm rất khó gỡ cho dự án và  Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù tương tự cơ chế tại Nghị định 61/2017/NÐ-CP của Chính phủ trong việc bán đấu giá tài sản dự án.

Cụ thể, ngày 9/8/2017, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương điều chỉnh mức giá khởi điểm là giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành công liền trước đó, thời gian mỗi lần giảm giá không quá 30 ngày và không giới hạn số lần giảm giá cho tới khi đấu giá thành công.

Về vấn đề xin cơ chế đặc thù, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ từng cho rằng, doanh nghiệp nhà nước đã tồn tại quá lâu trong thể chế được ưu tiên, ưu đãi, bao cấp nên tư duy và thói quen vẫn chưa thay đổi được triệt để. Môi trường đầu tư kinh doanh có phần chưa thật sự bình đẳng, DNNN vẫn được ưu tiên, ưu đãi. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, sức cạnh tranh trên thị trường yếu, thua lỗ kéo dài không giải quyết được nên vẫn trông vào nhà nước hỗ trợ…

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, đã có luật thì dứt khoát phải làm theo luật. “Ở nước ta, việc thi hành luật và tuân thủ luật pháp còn yếu. Do đó cần phải kiên quyết khắc phục tình trạng không làm theo luật. Không chỉ về phía doanh nghiệp mà còn về phía các cơ quan quản lý cần phải nghiêm khắc, nghiêm túc trong vấn đề này, dứt khoát chấm dứt xin - cho với nghĩa là không hợp lý”, chuyên gia Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo Điện tử Tổ Quốc về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tái cơ cấu các dự án phải tuân thủ đúng pháp luật, công khai, minh bạch theo thị trường. Trong pháp luật cũng có những chính sách ưu đãi nhưng phải ưu đãi theo đúng quy định pháp luật đối với một số ngành nghề trọng điểm đã được công khai. Còn thì không có chính sách đặc thù nào cả.

“Theo quy định là phải đấu giá và xác định giá khởi điểm. Nếu thay đổi giá khởi điểm thì phải xây dựng lại phương án đấu giá mới, tính toán lại đề án mới, xác định lại giá trị doanh nghiệp…”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Theo Tiền phong, tháng 10/2003, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi, với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng. Ðơn vị đầu tư được giao thực hiện là Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi), doanh nghiệp hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực giấy.

Sau khi vốn đầu tư đội lên rất nhiều và nhà máy không thể hoàn tất việc xây dựng, năm 2008 UBND tỉnh Long An chủ động chuyển nhà máy về cho SCIC (Bộ Tài chính) quản lý. Tiếp đó, đến năm 2009 được giao về Tổng công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư dự án.

Sau khi tiếp nhận dự án, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phê duyệt tổng mức đầu tư mới của dự án là 3.409 tỷ đồng. Tính từ khi dự án được duyệt lần đầu vào năm 2003 (1.487 tỷ đồng), tổng mức đầu tư của dự án đã tăng gấp 2,3 lần. 

Theo báo Tổ Quốc

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến