Triển vọng kinh doanh của Vinasun vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Báo lãi sau 8 quý thua lỗ
Kết thúc quý đầu năm 2022, Vinasun đạt 164,5 tỷ đồng doanh thu, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp đạt gần 36 tỷ đồng, gấp 4,67 lần cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 2,26 lần, lên 4,3 tỷ đồng, trong khi các loại chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm giúp Vinasun đạt lợi nhuận sau thuế 12,5 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lỗ 30 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Ban lãnh đạo Vinassun đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch năm nay với chỉ tiêu doanh thu từ hoạt động kinh doanh tăng 31,74% so với năm trước, đạt 638,51 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 27 tỷ đồng. Như vậy, dù còn cách xa chỉ tiêu doanh thu, nhưng Vinasun đã hoàn thành gần phân nửa chỉ tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.
Trước đó, Vinasun đã trải qua 2 năm thua lỗ liên tiếp do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu đi lại sụt giảm, các doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu taxi công nghệ. Tổng số lỗ 2 năm 2020 và 2021 của Công ty lên đến 487,8 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Công ty đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết, nếu không thoát lỗ năm nay.
Nhờ nguồn lợi nhuận tích lũy của những năm trước, Vinasun chưa rơi vào tình trạng lỗ lũy kế. Nhưng việc kinh doanh thua lỗ tiếp tục kéo giảm vốn chủ sở hữu đến ngày 31/12/2021 của Công ty xuống còn 1.206,2 tỷ đồng, giảm 18,7% so với đầu năm. Quy mô tổng tài sản đến ngày 31/12/2021 cũng giảm 23,7% so với đầu năm, xuống 1.571,7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do giá trị phương tiện vận tải trong phần tài sản cố định sụt giảm, cho thấy sự thu hẹp đáng kể trong quy mô hoạt động của Công ty.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng phần nào phản ánh điều này, khi dòng tiền thu từ thanh lý, bán tài sản cố định trong năm 2021 lên đến 292,15 tỷ đồng, trong khi phần tiền đầu tư cho tài sản cố định chỉ 33,8 tỷ đồng. Trong năm 2020, dòng tiền thu từ thanh lý là 221,9 tỷ đồng, trong khi số tiền đầu tư chỉ 25,2 tỷ đồng.
Báo cáo của Vinasun cũng cho biết, quy mô nhân sự đến cuối năm 2021 còn 1.877 người, giảm 2.521 người, tương ứng giảm 57,3% so với đầu năm. Xu hướng giảm vẫn đang diễn ra khi đến ngày 31/3/2022, số nhân sự chỉ còn 1.764 người. Trong năm 2021, Công ty mẹ Vinasun đã đầu tư 70 xe và thanh lý 1.887 xe. Năm 2022, Vinasun đặt mục tiêu thanh lý tiếp 506 xe và đầu tư 156 xe.
Triển vọng phục hồi
Việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong nước và quốc tế trong lộ trình khôi phục và phát triển kinh tế, sống chung với dịch bệnh đang là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp vận tải hành khách như Vinasun phục hồi sau 2 năm “bĩ cực”. Tuy vậy, triển vọng kinh doanh của Công ty vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Cụ thể, việc thu hẹp quy mô đội xe, nhân sự giúp Vinasun cải thiện dòng tiền, có nguồn lực để giảm nợ vay trong bối cảnh dòng tiền hoạt động kinh doanh về thấp. Đồng thời, điều này giúp Công ty tiết giảm được nhiều loại chi phí khác như khấu hao, chi phí nhân viên…, giúp giảm áp lực lên kết quả kinh doanh trong điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, nguồn lực để phục hồi kinh doanh khi thị trường thuận lợi cũng bị thu hẹp.
Cùng với đó, việc tăng mạnh của giá dầu thế giới kéo theo sự tăng giá các sản phẩm xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của Vinasun do nhiên liệu là chi phí quan trọng trong cấu trúc giá vốn của doanh nghiệp này. Công ty cũng tiếp tục đối mặt với câu chuyện cạnh tranh từ các hãng “taxi công nghệ” đang có độ phủ cao.
Để ứng phó với những khó khăn và thích nghi xu hướng tiêu dùng mới, những năm qua, Vinasun đã thực hiện nhiều thay đổi, như phát triển app đặt xe, triển khai phát triển phương thức thanh toán online. Đồng thời, đẩy mạnh các mảng hoạt động phụ trợ như quảng cáo trên taxi…, chuyển mô hình từ trực tiếp đầu tư và quản lý tài xế sang kinh doanh dưới hình thức thương quyền, thanh lý và bán xe trả chậm cho tài xế, phát triển đầu xe hợp tác kinh doanh…
Tuy vậy, ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhất là khó khăn do dịch bệnh khiến bức tranh kinh doanh của Vinasun chưa có nhiều khởi sắc.
Tác giả: Khắc Lâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy