Theo dữ liệu mới nhất ghi nhận trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (công ty con của Vingroup) đã tiến hành tăng vốn từ gần 56.497 tỷ đồng lên gần 57.380 tỷ đồng tại ngày 19/5 vừa rồi, thông qua việc phát hành hơn 88 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức.
Vào đầu năm, VinFast cũng phát hành 600 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức để tăng vốn từ 50.497 tỷ đồng lên 56.497 tỷ đồng. Theo đó, cơ cấu cổ phần VinFast ghi nhận hơn 5 tỷ cổ phần phổ thông, tỉ trọng 88%; cổ phần ưu đãi cổ tức đạt 688,3 triệu đơn vị, tỉ lệ 12%.
Như vậy, chỉ sau 5 tháng đầu năm 2022, vốn điều lệ của VinFast đã tăng thêm hơn 7.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ VinFast vẫn vượt xa vốn của công ty mẹ - Vingroup hiện ở mức trên 38.800 tỷ đồng.
Sau khi lượng cổ phần ưu đãi cổ tức được phát hành cho cổ đông trong nước, cổ đông lớn nhất VinFast Trading & Investment Ptl.Ltd - công ty con của Vingroup, trụ sở tại Singapore (VinFast Singapore) đã giảm sở hữu từ 99,9% xuống 87,9% vốn VinFast. Lượng cổ phần hãng ô tô điện mà VinFast Singapore sở hữu hoàn toàn là cổ phần phổ thông, tỉ trọng 99,9% tổng số cổ phần phổ thông.
VinFast Singapore cũng đã gửi hồ sơ đăng ký lên Ủy ban chứng khoán Mỹ liên quan đến kế hoạch chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), sau khi công ty công bố kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy tại bang North Carolina. Quy mô đợt phát hành và giá chào bán cổ phiếu vẫn chưa được xác định.
Vingroup mới đây cũng đã cho biết phát hành thành công 525 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Lô trái phiếu được phát hành trên cơ sở quy định của Đạo luật Chứng khoán 1933 của Hoa Kỳ, vào ngày 10/5. Đợt phát hành này nằm trong kế hoạch huy động tối đa 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong năm 2022 của Vingroup để góp vốn đầu tư vào dự án VinFast. Theo kế hoạch ban đầu, Vingroup muốn phát hành 1,5 tỷ USD trái phiếu quốc tế, sau đó đã chiều chỉnh giảm xuống còn 1 tỷ USD.
Số tiền thu về theo công bố trước đó dùng để bổ sung vốn cho Vingroup thanh toán các khoản chi phí cho việc phát hành trái phiếu và góp vốn trực tiếp vào VinFast để thực hiện dự án tổ hợp sản xuất ô tô VinFast.
Bên cạnh đó, Vingroup cũng đã phê duyệt việc dùng tài sản làm tài sản đảm bảo và cấp bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu của VinFast.
Theo đó, HĐQT Vingroup đã thông qua việc tập đoàn này cấp bảo lãnh và dùng tài sản thuộc sở hữu của mình bảo đảm cho các nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi và các nghĩa vụ thanh toán khác của VinFast. Nghĩa vụ bảo lãnh này liên quan đến các trái phiếu do VinFast phát hành năm 2022 với tổng mệnh giá tối đa là 2.000 tỷ đồng.
Trong phiên họp Đại hội Cổ đông thường niên năm 2022, được tổ chức sáng 11/5 của Vingroup, trước lo ngại của cổ đông về khả năng tiêu thụ xe VinFast, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết năm nay số lượng đơn đặt hàng đã đạt 4.000 chiếc ở Mỹ, phù hợp với kế hoạch sản xuất là 17.000 xe xuất xưởng. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng cho rằng thế giới đang "rất thiếu xe chứ không thừa", nên nếu sản phẩm tốt sẽ có cơ hội bán nhanh.
Ông Phạm Nhật Vượng cũng cho biết Vingroup đang sử dụng "từng đồng, từng hào" cho Vinfast.
Việc công xưởng thế giới là Trung Quốc đang gián đoạn cung ứng do Covid-19 cũng gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp khi một phần linh kiện được nhập từ thị trường này. Nhiều nhà máy của Mỹ, Đức, châu u tại Trung Quốc đã đóng cửa. Trong khi đó, một chiếc xe ô tô có khoảng 3.000-4.000 linh kiện mà "thiếu một con ốc cũng không thể xuất xưởng".
Vấn đề phụ thuộc nguồn cung bên ngoài cũng khiến lãnh đạo Vingroup muốn thúc đẩy chiến lược nội địa hóa linh kiện. Tập đoàn này đang mời các nhà sản xuất linh kiện, chip về Việt Nam mở nhà máy với các ưu đãi lớn như miễn tiền thuê đất, nhà xưởng trong 10-15 năm... "Lúc đó, chúng tôi đảm bảo nguồn cung thì sẽ phát triển rất nhanh", ông Phạm Nhật Vượng nói. Chủ tịch Vingroup khẳng định đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội vàng cho VinFast.
Tháng 4/2022, VinFast ghi nhận tổng số 2.427 xe được bán ra trong cả nước. VinFast Fadil tiếp tục là mẫu xe bán chạy nhất của VinFast với 1.654 xe. Mẫu ô tô điện VF e34 có doanh số cao thứ hai với 406 xe được bàn giao, nâng tổng số xe VF e34 xuất xưởng từ đầu năm đến nay đạt 911 xe.
Tác giả: Trần Thu Thảo
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy