Dòng sự kiện:
VKS nói về động cơ của đại gia Bình Dương trong vụ thâu tóm đất vàng
24/08/2022 18:44:42
Đại diện VKS cho rằng với động cơ vụ lợi, ông Nguyễn Văn Minh đã cấu kết cùng người thân lập công ty liên doanh, chuyển nhượng đất Nhà nước về tay tư nhân trái quy định.

Ngày 24/8, đại diện VKSND Hà Nội nêu quan điểm đối đáp sau khi 28 bị cáo và nhóm luật sư tranh luận tại phiên xử vụ chuyển nhượng đất trái quy định tại Tổng công ty 3/2 thuộc Tỉnh ủy Bình Dương.

Tiền trảm, hậu tấu

Về việc các luật sư cho rằng không có chứng cứ thể hiện bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2) là chủ mưu, chỉ đạo đồng phạm chuyển nhượng đất trái quy định, đại diện VKS lập luận thời điểm Tổng công ty 3/2 đang là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, ông Minh là người đứng đầu công ty, phải chịu trách nhiệm chính đối với toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Theo VKS, tại khu đất 43 ha, bị cáo Minh đã chủ động bàn bạc với con rể Nguyễn Đại Dương lập Công ty Âu Lạc, mục đích thành lập liên doanh mới là Công ty Tân Phú. Việc lập công ty trên nhằm chuyển nhượng quyền sử dụng đất 43 ha đất đã được UBND tỉnh giao cho Tổng công ty 3/2 và 30% vốn góp của tổng công ty tại Tân Phú, sang cho Công ty Âu lạc. Đây là hành vi để hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản thuộc doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang tư nhân.


Đại diện VKSND đối đáp tại tòa. Ảnh: TTXVN.

Đến năm 2016, khi Công ty Âu Lạc chưa hoàn toàn là chủ sở hữu 43 ha đất và 30% vốn góp của Tổng công ty 3/2, bị cáo Dương đã chủ động liên hệ với bà Đặng Thị Kim Oanh (Giám đốc Công ty Kim Oanh TP.HCM), thỏa thuận sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp của Âu Lạc tại Công ty Tân Phú (trong đó có 43 ha đất và toàn bộ vốn góp) cho công ty của bà Oanh. Đồng thời, Dương yêu cầu bị cáo Nguyễn Quốc Hùng (đứng tên tổng giám đốc Công ty Âu Lạc) ký hợp đồng hứa mua, hứa bán với Công ty Thuận Lợi (do chồng bà Oanh làm đại diện pháp luật).

Sau đó, ông Minh đã tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc do con rể điều hành được tiến hành phi vụ bán "đất vàng", thông qua việc tháng 12/2016, ông Minh ký chuyển nhượng đất cho Công ty Tân Phú. Như vậy, theo VKS, hành vi của ông Minh làm trái quy định theo hình thức "tiền trảm, hậu tấu".

Trong vụ án này, đối với các doanh nghiệp liên doanh như Công ty Tân Phú, Âu Lạc hay Phát Triển, ông Minh vừa là người tham gia điều hành, vừa có sức ảnh hưởng, chi phối đối với người thực tế quản lý, điều hành những doanh nghiệp đó.


Bị cáo Nguyễn Văn Minh. Ảnh: TTXVN.

Đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, cựu Chủ tịch tỉnh Trần Thanh Liêm và đồng phạm, VKS phân tích các bị cáo tham mưu, đề xuất, ban hành văn bản hướng dẫn áp đơn giá của năm 2006 để thu tiền sử dụng đất tại thời điểm năm 2012, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Đại diện VKS quy buộc nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Dương phải chịu trách nhiệm về hành vi thu tiền sử dụng đất trái quy định. Điều này là nguyên nhân gián tiếp, tạo điều kiện để ông Minh và đồng phạm trục lợi. VKS cho rằng khi được ông Trần Văn Nam và đồng phạm ưu ái, vun vén, bị cáo Minh và đồng phạm đã gây ra hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

"Mắc sai phạm vì muốn địa phương phát triển nhanh"

Trong phần tranh luận tại tòa sáng nay, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương Phạm Văn Hiền (người được Tỉnh ủy ủy quyền) trình bày trong vụ án, sai phạm của các cựu cán bộ Tỉnh ủy và UBND tỉnh khiến họ phải trả giá rất đắt.

Về nguyên nhân, ông Hiền cho rằng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, với mong muốn đưa địa phương phát triển nhanh, một số cán bộ đã mắc sai phạm, trong khi thực tiễn phát sinh nhiều bất cập, hệ thống văn bản pháp luật chưa thật đồng bộ.


Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương Phạm Văn Hiền. Ảnh: N.H.

Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền tỉnh. Tuy nhiên, Tỉnh ủy mong HĐXX xem xét, cân nhắc, đánh giá khách quan, toàn diện hành vi sai phạm của các bị cáo trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể; xem xét việc các bị cáo đã có nhiều đóng góp cho tỉnh Bình Dương khi lượng hình.

Về số phận đất vàng, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh Công ty Tân Thành và các cá nhân, pháp nhân góp vốn đã có văn bản thống nhất sẽ hoàn trả khu đất cho Tỉnh ủy và Tỉnh ủy hoàn trả tiền vốn góp tại thời điểm góp vốn. Còn việc đánh giá tài sản này là quyền sở hữu của bên nào thì do cơ quan tố tụng quyết định.

Chiều 24/8, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

Tác giả: Hoàng Lam

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến