Đi ngược với tình hình kinh tế hồi phục trong khoảng thời gian gần đây, phiên giao dịch ngày 11/9 vừa qua đã có diễn biến kém khả quan khi xuất hiện áp lực bán tăng mạnh trong nửa cuối phiên chiều, theo đó đã đẩy hàng loạt cổ phiếu chìm sâu trong sắc đỏ, thậm chí giảm kịch sàn.
VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên tại mức 1.223,63 điểm, giảm gần 18 điểm, tương đương 1,44%, mạnh nhất trong vòng gần một tháng kể từ phiên giao dịch 18/8.
Mức giảm này cũng đưa VN-Index vào top các chỉ số giảm mạnh nhất châu Á vào ngày 11/9. Thậm chí, chứng khoán Việt Nam còn đi ngược diễn biến khả quan của nhiều thị trường lớn trong khu vực. Với phiên giảm điểm mạnh, giá trị vốn hóa HoSE tương ứng mất gần 72.000 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD, xuống còn xấp xỉ 4,9 triệu tỷ đồng.
Đi kèm với biến động mạnh về chỉ số, thanh khoản cũng đẩy lên mức cao. Nhà đầu tư ồ ạt bán ra đưa khối lượng giao dịch trên sàn HoSE vượt 1,3 tỷ cổ phiếu, trở thành phiên có lượng cổ phiếu giao dịch cao thứ hai trong năm 2023, chỉ sau phiên rơi tự do ngày 18/8.
Xét theo giá trị, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE cũng xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD, cao thứ hai trong năm nay.
TTCK duy trì sức hút so với kênh tiền gửi tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất huy động nới rộng giảm trong tháng 8 (Nguồn: VNDirect Research).
Xét về xu hướng thị trường trong cả tháng 9, Chứng khoán VNDirect cho rằng dòng tiền sẽ có sự sàng lọc hơn và tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản tốt, có câu chuyện riêng.
VNDirect đưa ra 2 kịch bản cho thị trường trong tháng 9 tới, kịch bản thứ nhất (xác suất 70%), thị trường có thể vượt đỉnh cũ ngay trong tháng 9 và tiến tới vùng 1.280-1.300 điểm.
Xu hướng tăng có thể được kích hoạt nhờ Chính phủ tiếp tục thực thi các chính sách hỗ trợ kinh tế, mặt bằng lãi suất duy trì đà giảm thúc đẩy dòng vốn giá rẻ gia nhập thị trường chứng khoán, kỳ vọng tích cực từ kết quả kinh doanh quý III và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.
Kịch bản thứ hai (xác suất 30%), thị trường giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp từ 1.180 đến 1.240. Thị trường vẫn ghi nhận những thông tin tích cực ở trên nhưng bị lu mờ bởi những rủi ro đang nổi lên về nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam và đà tăng của lợi suất TPCP Mỹ tiếp tục gây áp lực lên tỉ giá trong nước và do đó thu hẹp đáng kể dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Thanh khoản hàng ngày trong 12 tháng qua (tỷ đồng) – Thanh khoản tiếp tục thăng hoa trên khắp các sàn với mức tăng xấp xỉ 25% mỗi tháng và là mức thanh khoản cao nhất trong 12 tháng qua (Nguồn: VDSC).
Trong tháng 9, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) báo thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tăng hỗ trợ bởi yếu tố dòng tiền với dao động trong vùng 1.210-1.280 điểm.
Thêm vào đó, xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể chưa chấm dứt, điều này ảnh hưởng tới hiệu suất của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, một phần bị tác động bởi xu hướng mất giá của đồng VNĐ.
Tuy nhiên, xu hướng này có thể không gây ra những ảnh hướng quá tiêu cực tới TTCK do yếu tố này đã được kỳ vọng khi NHNN lựa chọn mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ, và tỉ lệ tham gia thị trường của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài – nhóm nhà đầu tư có hành vi giao dịch liên quan tới tỉ giá – đang khá thấp.
Triển vọng kinh doanh quý III/2023, câu chuyện giải ngân đầu tư công và các gói tài khóa hỗ trợ kích cầu tiêu dùng sẽ là những dòng câu chuyện dẫn dắt cho sự sôi động luân phiên giữa các nhóm ngành và cổ phiếu.
Tăng trưởng dòng tiền và giá trị các nhóm ngành chính trong tháng 8/2023 (tăng % so với tháng trước đó) (Nguồn: TPS).
Dựa vào biến động của VN-Index trong tháng 8/2023, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đưa ra 3 kịch bản cho tháng 9/2023.
Đối với kịch bản trung lập, thị trường sẽ cần thêm thời gian để hấp thụ hoàn toàn lực cung tại vùng đỉnh liền kề quanh mức 1.245 điểm trước khi bứt phá hoàn toàn tại đây, do nhịp giảm điểm mạnh ngày 18/8 mang tính chất bất ngờ và nhanh chóng dẫn đến việc lượng cổ phiếu lớn vẫn mắc kẹt tại đây.
Áp lực bán ròng từ khối ngoại tại các cổ phiếu trọng số cao sẽ hạn chế đà tăng của thị trường. Ở kịch bản này, mức tâm lý 1.200 điểm được kỳ vọng sẽ là điểm tựa cho thị trường trong trường hợp các nhịp rung lắc diễn ra. Đây là mức điểm có vai trò quan trọng trong suốt lịch sử biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Còn kịch bản tích cực, VN-Index sẽ chinh phục hoàn toàn vùng đỉnh liền kề quanh mức 1.245 điểm để mở ra triển vọng dài hơn cho thị trường. Ở kịch bản này, sóng 3 tăng theo lý thuyết Elliott Wave sẽ được mở rộng đến mức cản tiếp theo quanh 1.300 điểm.
Bên cạnh đó, sự phục hồi nhanh chóng của thị trường trong nửa cuối tháng 8/2023 đến nay cùng thanh khoản liên tiếp cải thiện chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư đang rất lạc quan về triển vọng của thị trường.
Đối với kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ có khả năng lùi về mức hỗ trợ mạnh là 1.150-1.170 điểm, nơi chỉ số đã thành công tạo đáy trong tháng qua. Nguyên nhân là việc chỉ số không thành công vượt cản 1.245 điểm vì khi đó thị trường sẽ có khả năng hình thành mẫu hình 2 và nếu xuyên thủng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm thì chỉ số sẽ có khả năng giảm sâu hơn nữa.
Theo quan điểm của TPS, những nhóm ngành sẽ thu hút dòng tiền trong tháng 9/2023 bao gồm đầu tư công, chứng khoán, bất động, xuất khẩu.
Tác giả: Phạm Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy