Thị trường đã có phiên giao dịch sáng cuối tuần khá tích cực. Bên cạnh thanh khoản cải thiện, nhóm cổ phiếu bluechip có những tín hiệu tích cực cùng sự trở lại của các nhóm ngành như thép, dầu khí, phân bón…, đã giúp VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.470 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, đà tăng của thị trường vẫn duy trì khá ổn định nhờ dòng tiền tham gia sôi động giúp thanh khoản cả phiên cải thiện tích cực so với 2 phiên trước. Tiếc rằng áp lực bán gia tăng trong đợt khớp lệnh ATC đã khiến thị trường hạ độ cao và VN-Index không giữ được mức giá cao nhất trong ngày.
Cần nói thêm rằng áp lực bán phiên ATC khá chủ động khi ngay bước vào phiên đóng cửa, nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 bên bán bỗng dưng xuất hiện hàng triệu cổ phiếu khiến bên mua phải chùn tay. Chẳng hạn tại SSI, hơn 2 triệu cổ phiếu bán ra được kê lệnh ATC khiến mức tăng tốt trước đó của cổ phiếu này biến mất, chốt phiên SSI chỉ may mắn giữ được mức giá tham chiếu.
Thị trường đã khép lại một tuần giao dịch khá tốt khi VN-Index có được 4 phiên tăng liên tiếp và chỉ số này đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh quanh khu vực 1.470-1.480 điểm, đây cũng là nơi đường MA20 cắt xuống nên để vượt qua khu vực này cần dòng tiền mạnh hơn nữa, đặc biệt cần nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Trên đồ thị kỹ thuật, thị trường vẫn duy trì xu thế tăng ngắn hạn nhưng có thể sẽ rung lắc mạnh trong những phiên đầu tuần tới do gặp vùng cản mạnh. Về trung hạn, đồ thị VN-Index đang có cơ hội tạo thành mẫu hình 2 đáy hướng lên với đáy 1 tạo thành từ cuối tháng 1/2022 và đáy 2 hình thành giữa tháng 3 vừa qua.
Đóng cửa, sàn HOSE có 228 mã tăng và 195 mã giảm, VN-Index tăng 7,76 điểm (+0,53%), lên 1.469,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 795,7 triệu đơn vị, giá trị 24.227,74 tỷ đồng, tăng 10,92% về khối lượng và 13,26% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 50 triệu đơn vị, giá trị 1.924,7 tỷ đồng.
Nhóm VN30 không còn giữ được phong độ như phiên sáng khi chỉ còn tăng 7 điểm với sự ghi nhận 18 mã tăng và 10 mã giảm. Trong đó, một số mã lớn đã đảo chiều giảm điểm về mức giá thấp nhất ngày như SAB, MSN, KDH, VNM.
Trái lại, mã lớn VHM cũng thu hẹp biên độ khi tăng chưa tới 1% đã tác động đáng kể lên thị trường.
Ngoài ra, dòng bank cũng trở nên phân hóa hơn khi một số mã thu hẹp biên độ tăng, trong khi nhiều mã đảo chiều giảm trong phiên giao dịch chiều.
Cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm VN30 vẫn thuộc về FPT. Dù không giữ được mức giá cao nhất trong ngày nhưng FPT tiếp tục lập đỉnh mới khi kết phiên tăng 3,4% lên mức 95.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,8 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng có SHB giảm khá mạnh khi để mất hơn 2%, kết phiên đứng tại mức giá 21.650 đồng/CP; EIB giảm 2,31% xuống 36.000 đồng/CP cùng VPB, TPB, MBB, LPB giảm trên dưới 0,5%. Sắc xanh còn lại có VCB tăng tốt nhất là 1,45% và đứng tại mức giá 84.200 đồng/CP, các mã khác như BID, CTG, TCB, STB, SSB VIB, MSB tăng nhẹ chủ yếu chưa tới 0,5%.
Nhóm chứng khoán vẫn biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu với HCM, VCI, VND… giảm nhẹ, trong khi FTS, TVS, VDS giữ sắc xanh. Điểm sáng thuộc về VIX tăng 3,9% lên mức 22.800 đồng/CP và khớp gần 6,5 triệu đơn vị.
Trong bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, nhóm cổ phiếu thép vẫn tăng tốt nhất. Sắc xanh vẫn bao phủ toàn ngành, trong đó HSG tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 3,3% và kết phiên đứng tại mức giá 37.850 đồng/Cp, còn HPG tăng 1,2% lên 46.500 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh của 2 mã đầu ngành là HPG và HSG lần lượt đạt 17,73 triệu đơn vị và 13,27 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí và phân bón khởi sắc với GAS tăng 2,7% lên 108.900 đồng/CP, PVD tăng 3,2% lên 35.500 đồng/CP, PLX có phần kém tích cực hơn khi lùi về gần mốc tham chiếu khi chỉ còn nhích 1 bước giá….
Trong nhóm phân bón, DCM và DPM cùng tăng hơn 3%, BFC tăng hơn 4%, VAF tăng 3,75%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu FLC kết phiên tăng 2,6% lên mức 14.000 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 42,76 triệu đơn vị; tiếp theo là HQC tăng 5,6% lên 8.650 đồng/CP và khớp 38,33 triệu đơn vị, ROS tăng 1,4% lên 8.650 đồng/CP và khớp hơn 30 triệu đơn vị…
Trong khi một số mã khác như HAG, SCR, HNG, HAI, AMD, HBC… đảo chiều điều chỉnh.
Tâm điểm đáng chú ý của thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu “hệ sinh thái DNP”. Ngoại trừ JVC gặp áp lực chốt lời và kết phiên lùi về mốc tham chiếu, còn lại DNP, NVT, HUT, VC9 vẫn giữ sức nóng khi tiếp tục tăng kịch trần.
Trên sàn HNX, thị trường cũng giảm nhiệt về cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 125 mã tăng và 110 mã giảm, HNX-Index tăng 5,04 điểm (+1,13%) lên 451,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111 triệu đơn vị, giá trị 3.165,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 19 triệu đơn vị, giá trị 784,95 tỷ đồng.
Sau phiên đảo chiều điều chỉnh hôm qua, thành viên nhà DNP là HUT đã lấy lại đà hồi phục trong phiên sáng nay và tiếp tục tăng tốc ở phiên chiều. Kết phiên, HUT tăng 9,9% lên mức giá trần 46.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 5,4 triệu đơn vị và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.
Các mã hỗ trợ đà tăng tốt của thị trường phải kể đến là thành viên nhà bank - NVB bứt tốc khi kết phiên tăng 6,5% lên mức giá cao nhất ngày 33.000 đồng/CP, IDC giữ mức tăng tốt 3,3% và đóng cửa tại 71.700 đồng/CP, PVS và CEO cùng tăng hơn 2%...
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí như PVS, PVC, PVB hay phân bón như LAS đều giao dịch khởi sắc trở lại.
Ở chiều ngược lại, đáng chú ý là THD bất ngờ đảo chiều giảm điểm khi để mất 1,9% xuống mức giá thấp nhất ngày 168.000 đồng/CP, đây có thể là một trong những nhân tố khiến HNX-Index không giữ vững độ cao.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã cũng đảo chiều giảm điểm do gặp áp lực chốt lời như KLF, ACM, ART, KVC, BII, DL1…
Trên UPCoM, mặc dù thị trường vẫn rung lắc và biến động tăng giảm liên tục nhưng UPCoM-Index đã kết phiên trong sắc xanh.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,09%) lên 116,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100,98 triệu đơn vị, giá trị 1.324,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,84 triệu đơn vị, giá trị 121,25 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR giữ mức tăng 3,1% và đóng cửa tại 26.400 đồng/CP với khối khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu thị trường, đạt gần 7,2 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng hỗ trợ giúp thị trường hồi phục sắc xanh như VGI tăng 1,2% lên 33.200 đồng/CP, VTP tăng 1,3% lên 72.700 đồng/CP, VEA tăng 1,1% lên 46.000 đồng/CP…
Các mã khác trong nhóm dầu khí như OIL, hay thép như TVN, TIS, phân bón như DDV cũng đã giao dịch khởi sắc trở lại.
Trong khi đó, mã vừa và nhỏ PVX đảo chiều giảm 4,3% xuống mức 6.700 đồng/CP và khớp 6,8 triệu đơn vị, VHG giảm gần 1% xuống 10.500 đồng/CP và khớp 5,58 triệu đơn vị…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2204 đáo hạn gần nhất ngày 21/4 tăng 3,1 điểm (+0,2%) lên 1.478,1 điểm, khớp gần 103.670 đơn vị, khối lượng mở gần 16.710 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa mạnh diễn ra, trong đó CHPG2114 dẫn đầu thanh khoản đạt 168.790 đơn vị và kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 200 đồng/CQ.
Tác giả: T.Thúy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy