Dòng sự kiện:
VN-Index 'vượt vũ môn', lập đỉnh của đỉnh lịch sử 21 năm nhờ yếu tố nào?
29/10/2021 15:39:42
VN-Index đã tăng 1,05% lên 1.438,01 điểm trong phiên giao dịch 28/10, tạo thêm một kỳ tích xác lập hai đỉnh lịch sử trong hai ngày giao dịch liên tiếp.

Nhà đầu tư đang kỳ vọng gì vào thị trường?

Phóng viên Tạp chí Diễn Đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam để phân tích sâu hơn những yếu tố đã hỗ trợ thị trường lập đỉnh của đỉnh lịch sử trong tuần này.

- Thưa ông, với việc 2 phiên liên tiếp vừa qua chứng kiến chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh lịch sử. Vậy theo ông đâu là động lực giúp thị trường tích cực như vậy?

Vừa qua có thể thấy thị trường đã có diễn biến rất tích cực khi hai phiên liên tiếp đều tăng mạnh khỏi vùng 1.400 điểm và xác lập hai đỉnh lịch sử. Đóng cửa phiên giao dịch 28/10, VN-Index đã tăng 1,05% lên 1.438,01 điểm. Về động lực tăng trưởng của thị trường trong hai phiên gần đây, tôi cho rằng có 6 yếu tố sau đây.

Thứ nhất, gần đây lượng tiền chờ của các nhà đầu tư tăng lên mạnh, cho thấy dòng tiền dồi dào. Từ đầu năm đến nay có lượng tiền mặt đang nằm chờ ở các CTCK hơn 90.000 tỷ đồng, điều này thể hiện rằng dư địa tăng trưởng còn nhiều cho thị trường, nhưng nhà đầu tư lại đang có tâm lý thận trọng. Tuy nhiên, với phiên tăng điểm mạnh hôm 27/10, khi VN-Index đạt 1.423,02 điểm đã giúp kích hoạt tâm lý thị trường và phiên tiếp theo vẫn duy trì đà tăng.

Thứ hai, liên quan kiểm soát dịch bệnh. Có thể thấy, tình hình khởi sắc trong diễn biến phòng chống dịch cũng như kiểm soát ổ dịch COVID-19, cùng với đó là TP. Hồ Chí Minh cho phép hoạt động trở lại các cơ sở kinh doanh đã giúp tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn. Theo đó, nhà đầu tư kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh.

Thứ ba, về kết quả kinh doanh (KQKD) quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, trong 1-2 tuần qua nhiều doanh nghiệp đã công KQKD nhất là nhóm ngân hàng, với con số hiện nay mức tăng trưởng không quá tệ như dự báo trước đó. Do vậy, tâm lý nhà đầu tư cũng bớt căng thẳng và thận trọng trước đó khi tăng trưởng GDP của Việt Nam âm dẫn đến doanh nghiệp niêm yết có thể gặp rủi ro, nhưng tình hình thực tế lại cho thấy khả quan hơn ngoài dự báo của các CTCK.

Thứ tư, tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư. Trong 2 tuần gần đây có thể thấy tâm lý chờ đợi nhiều từ phía nhà đầu tư, khi thị trường liên tiếp đi ngang. Cho nên chỉ cần kích thích dòng tiền quay trở lại nhóm bluechips ngay lập tức đã khiến thanh khoản tăng cao, nhiều cổ phiếu bứt phá, VN-Index vượt 1.400 điểm.

Thứ năm, thị trường tăng trước tin đồn về gói kích cầu của Chính phủ. Theo đó, thị trường tăng điểm trước thông tin không chính thức về gói kích thích kinh tế quy mô lớn của Chính phủ để đối phó với tác động từ dịch COVID-19.

Thứ sáu, yếu tố về khối ngoại. Trong thời gian qua, khối ngoại có xu hướng mua ròng, đặc biệt trong phiên 27/10, khối ngoại mua ròng tăng đột biến tập trung khớp lệnh liên tục hơn 1.000 tỷ đồng cũng là 1 yếu tố tác động tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh.

- Liệu theo ông, trong ngắn hạn liệu thị trường có biến động điều chỉnh giảm không, thưa ông?

Trong ngắn hạn, trong tháng 11 thì xu hướng tăng vẫn có xu hướng đi lên khi dòng tiền quay lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đây là giai đoạn dịch chuyển của dòng tiền. Trước mắt, chỉ số VN-Index đã vượt qua vùng đỉnh cũ tuy nhiên, chỉ số VN30 vẫn có dư đại quay lại đỉnh cũ trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong giai đoạn tuần tới, đà tăng còn nhưng không tránh khỏi áp lực chốt lời.

Quan điểm của tôi cho rằng, rủi ro trong ngắn hạn đang duy trì ở mức thấp.

- Vậy kết quả kinh doanh (KQKD) quý 3 vừa qua của các doanh nghiệp đã phản ánh đầy đủ lên thị giá cổ phiếu chưa, thưa ông?

Các doanh nghiệp chưa thể hồi phục ngay, tuy nhiên, bao giờ thị giá cổ phiếu cũng phản ánh trước sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Nếu chúng ta nhìn lại năm 2020 cũng sẽ thấy tình hình tương tự.

Tình hình hiện nay nhà đầu tư đang kỳ vọng vào quý 4/2021 tình hình sẽ khả quan hơn khi doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh. Đây có thể là làn sóng mới giúp dòng tiền quay lại thị trường.

Thực chất, còn quá sớm để đánh giá “sức khỏe” doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta cần phải chờ KQKD quý 4 của các doanh nghiệp để xem khả năng khôi phục của doanh nghiệp đạt bao nhiêu phần trăm, có khả quan hơn không. Hiện nay, doanh nghiệp mặc dù quay trở lại sản xuất kinh doanh nhưng gặp nhiều trở ngại khi sản xuất trở lại như chi phí sản xuất lớn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nếu sức cầu yếu rất có khả năng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

- Ông có khuyến nghị gì cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Tôi cho rằng về cơ bản, nhà đầu tư nên chú ý đến dòng tiền trong giai đoạn hiện nay. Bởi hiện chỉ số VN-Index đã lập đỉnh lịch sử, trong khi VN30 đang quay trở lại kiểm định lại mức đỉnh cũ hồi đầu năm 2021 nhưng thị trường không thể tránh áp lực chốt lời.

Trong thời gian qua khi mà nhóm bluechips đi ngang thì nhóm midcaps, smallcaps lại có mức độ tăng nóng, do đó không tránh khỏi áp lực bán chốt lời từ nhóm này.

Thông thường, khi thị trường tăng với dấu hiệu bền vững sẽ tập trung tăng cùng nhóm bluechips chính vì vậy, tôi cho rằng nhà đầu tư có thể canh chốt lời một phần tỷ trọng ở hai nhóm midcaps, smallcaps, nhà đầu tư có thể dịch chuyển dần sang nhóm có vốn hóa lớn.

Bởi vì, đà tăng thị trường vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhóm vốn hóa lớn và khi kinh tế phục hồi trở lại thì nhóm này sẽ hồi phục nhanh hơn so với các nhóm midcaps và smallcaps.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Nguyễn Long

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : vn-index
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến